Liên quan đến tình trạng ô nhiễm sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay khu vực phía Nam của tỉnh như TP Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một vừa là khu vực tiếp giáp TP HCM, Đồng Nai và là khu vực phát triển công nghiệp đầu tiên của tỉnh, mức độ đô thị hóa cao, nhiều cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư, đô thị nên trước đây đôi lúc đôi nơi còn phát sinh điểm nóng về môi trường.
Nhận thức được vấn đề trên, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng môi trường khu vực này, nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, đặc biệt là tình trạng xả lén hoặc lợi dụng trời mưa xả các chất thải chưa qua xử lý ra môi trường hoặc của các doanh nghiệp.
Một số giải pháp đã triển khai thực hiện trong thời gian qua như xây dựng kênh Ba Bò, kênh D, rạch Chòm Sao – suối Đờn đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước và mỹ quan đô thị.
Xây dựng 4 Nhà máy xử lý nước thải đô thị; Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một nhằm thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của dân cư trước khi thải ra kênh, rạch, môi trường...
Mở rộng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động đối với các nguồn thải lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 109 trạm quan trắc nước thải, 38 trạm quan trắc khí thải tự động, qua đó đã kiểm soát liên tục 24/24 giờ đối với 85% lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Thông qua quan trắc tự động trong năm 2023, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 5 doanh nghiệp với số tiền 1,65 tỉ đồng với hành vi xả thải và chậm sữa chữa thiết bị quan trắc tự động.
Tạo điều kiện và phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giám sát xả phải của các doanh nghiệp; thành lập đường dây nóng 1022 để người dân phản ánh và tố cáo về gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt sử dụng đội kiểm tra liên ngành trong việc kiểm tra đột xuất về môi trường đối với các doanh nghiệp bị phản ánh, có dấu hiệu xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Trong năm 2023, toàn Tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 461 đơn vị, trong đó thanh tra, kiểm tra cấp tỉnh 136 đơn vị, thanh tra, kiểm tra cấp huyện 325 đơn vị. Về giải quyết giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, cấp tỉnh đã giải quyết 107 đơn; cấp huyện đã giải quyết 184 đơn. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm là đối với 246 đơn vị với số tiền 28,637 tỉ đồng và thu số lợi bất hợp pháp với số tiền 3,810 tỉ đồng.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, kết hợp tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như hành động của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)