Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Thuận cho thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Ngành nghề đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện tương đối đa dạng, cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương.
Công tác quy hoạch, sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo nghề được thực hiện kịp thời, phát huy hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực xã hội. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong đào tạo, góp phần chuẩn hóa công tác quản lý đào tạo, bảo đảm chất lượng đầu ra. Tỉ lệ đào tạo hàng năm đều được nâng lên.
Ông Nguyễn Ngọc Thao, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Lao động - Việc làm và Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH Bình Thuận cho biết kết quả đào tạo nghề nghiệp trong năm 2024 đạt kết quả cao.
Chỉ nửa đầu năm 2024, tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 7.544 lao động, đạt 75,44% so với kế hoạch năm và bằng 224,72% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng là 37 người, trình độ trung cấp là 344 người, đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 7.163 người. Kết quả này góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đến cuối tháng 6 năm 2024 đạt 73,4%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,18%.
"Công tác đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng ghi nhận kết quả khả quan. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đã dần đi vào ổn định, góp phần nâng cao tay nghề cho người lao động, gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm theo hướng bền vững" - ông Thao cho biết thêm.
Tuy gặt hái được nhiều kết quả nhất định, nhưng đại diện Sở LĐ-TB-XH Bình Thuận cũng cho biết tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh hiện còn thấp, đa số là đào tạo nghề dưới 3 tháng. Nguồn nhân lực có trình độ cao còn ít, thiếu các chuyên gia kỹ thuật và quản lý giỏi. Một bộ phận người lao động nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề và giải quyết việc làm. Trong khi đó, nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa gắn với doanh nghiệp và giải quyết việc làm còn hạn chế, chất lượng chưa cao.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chất lượng đào tạo nghề của một số trường tiếp cận trình độ quốc gia, khu vực ASEAN; góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 30% - 32%.
Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia và các nước đang phát triển. Tích cực tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 32% - 37%.
Thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Thực hiện khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội để xác định lại ngành, nghề tuyển sinh và đào tạo theo nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư đào tạo các ngành nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực thực hiện 3 đề án xây dựng Bình Thuận thành: Trung tâm năng lượng, Trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…
Ngành LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận kỳ vọng với các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tin tưởng rằng, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tạo nền tảng vững chắc để tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bình luận (0)