Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), công việc tại các cơ quan, đơn vị và địa phương được UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá hiệu quả hơn so với trước. Số lượng CB-CC-VC có trình độ chuyên môn sau đại học được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2011, số lượng CB-CC-VC có trình độ sau đại học là 371/24.260 người (chiếm 1,53%), đại học là 8.301 người (34,22%). Đến năm 2020, tỉ lệ CB-CC-VC có trình độ sau đại học được nâng lên 3,21% và đại học hơn 53%.
Ông Đỗ Thái Dương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách này vẫn còn một số hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai. Trong đó, các mức chi hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo lý luận chính trị chưa phù hợp; việc sử dụng nguồn kinh phí để thanh toán cho công tác đào tạo CB-CC-VC chưa kịp thời sửa đổi theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND chưa có những đột phá nên không thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực.
"Bình Thuận nằm gần các trung tâm kinh tế lớn như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Những địa phương này có chính sách hỗ trợ đào tạo rất mạnh, môi trường làm việc hấp dẫn nên đã thu hút mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi chính sách hỗ trợ đào tạo của Bình Thuận còn thấp so với các tỉnh cùng khu vực, kể cả những tỉnh có điều kiện kinh tế tương đồng" - ông Dương nói.
Công chức tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp
Để khắc phục những vấn đề này, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 17, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bình Thuận xác định chuyển đổi số, công nghệ số, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo là những ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao trước tiên. Ngoài ra, các ngành quản lý hành chính, văn hóa, đô thị, xây dựng, tài chính, quy hoạch - phát triển đô thị, hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, vận tải… cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi khi tuyển dụng.
Theo ông Đỗ Thái Dương, người được thu hút vào làm CC-VC trong nhóm ngành, lĩnh vực kêu gọi thu hút là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được hỗ trợ chế độ một lần từ 600 - 800 triệu đồng. Nếu không muốn nhận một lần thì nhận chế độ hằng năm (trong thời gian 10 năm) từ 60 - 80 triệu đồng. Đối với chế độ thu hút theo hình thức mời chuyên gia, tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng/tháng, chỗ ở (1 triệu đồng/ngày làm việc thực tế) và chi phí đi lại. Để có sự cam kết, ràng buộc với địa phương, nghị quyết cũng quy định người hưởng chế độ thu hút tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ… thì phải đền bù số tiền đã nhận.
Bình luận (0)