Về phương án đối với đường băng sân bay Côn Đảo, theo báo cáo của Cục Hàng không, phương án quy hoạch với hướng đường cất hạ cánh hiện hữu là phương án tối ưu. Để khai thác đầy tải trọng thương mại với các dòng tàu bay tầm trung như A321, cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860 m (về phía Đông) để đạt chiều dài 2.400 m. Theo phương án này, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển sân bay Côn Đảo khoảng trên 10.000 tỉ đồng.
Do địa hình khu vực sân bay Côn Đảo hạn chế, cùng điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, kinh phí đầu tư lớn, tác động lớn tới môi trường, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của chính phủ Úc để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh và khuyến nghị chủng loại máy bay khai thác tối ưu tại sân bay Côn Đảo. Đơn vị tư vấn quốc tế được lựa chọn là ADPi (Pháp).
Theo Bộ GTVT, hiện đội máy bay code C của các hãng hàng không Việt Nam chủ yếu gồm các dòng máy bay A320 và ATR72 (Vietnam Airlines, Vasco). Các hãng hàng không Việt Nam đã và đang tiếp tục thuê, mua các dòng máy bay code C như A320neo/ceo, A321neo/ceo và B737 MAX8.
Trên cơ sở kết quả tính toán các đường bay dự kiến, điều kiện khai thác, tư vấn quốc tế kết luận chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại (1.830 m) của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại máy bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác, ngoại trừ máy bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Côn Đảo đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu với tổng mức đầu tư khoảng 1.680 tỉ đồng, được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Dự án sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp kết cấu đường cất hạ cánh hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830 m x 45 m; xây dựng mới 1 đường lăn song song và các đường lăn nối; bổ sung các hạng mục bảo đảm an toàn trong khai thác (RESA, đèn đêm); hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại máy bay code C (như A319, A320neo/ceo, B737-7/8 và tương đương) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và theo Quy hoạch. Như vậy, quy mô đầu tư của dự án cơ bản phù hợp với khuyến nghị của tư vấn quốc tế để nâng cao năng lực khai thác của sân bay Côn Đảo.
Hiện nay, một số hãng hàng không đang nghiên cứu phương án khai thác các đường bay tới sân bay Côn Đảo bằng loại máy bay như A320 và E190 (Vietjet Air dự kiến thuê máy bay E190 để khai thác, sau khi cảng được cải tạo, nâng cấp sẽ khai thác máy bay A320; Vietnam Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320 trong tương lai).
Theo các hãng hàng không, để có khả năng khai thác hiệu quả các loại máy bay trên, cần sớm mở rộng đường cất hạ cánh và nâng cao sức chịu tải của kết cấu mặt đường.
Đến năm 2030 đón 2 triệu hành khách/năm
Với khu bay, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục triển khai dự án nâng cấp, mở rộng bằng nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa vào khai thác máy bay code C (A320 và tương đương).
Giai đoạn đến năm 2030 cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ) mới với công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm, ước tính kinh phí đầu tư khoảng 2,1 ngàn tỉ đồng.
Bình luận (0)