Ngày 17-4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023).
Theo kết quả được công bố đối với cấp bộ, Bộ Tư pháp đạt điểm số cao nhất với 89,95 điểm vươn lên vị trí thứ nhất về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023. Xếp lần lượt ở các vị trí tiếp theo là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Bộ Công Thương là cơ quan xếp ở cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính với 78 điểm. Hai bộ xếp liền kế trước đó là Bộ Ngoại giao với 78,4 điểm và Bộ Y tế với 79,8 điểm.
Đối với bảng xếp hạng về cải cách hành chính cấp địa phương, với kết quả đạt 92,18%, năm 2023 là năm thứ 6 Quảng Ninh đứng đầu cả nước. Tiếp sau là Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính là An Giang, với 81,32%.
Theo kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS 2023) trung bình cả nước đạt 82.66%, tăng 2.58% so với năm 2022 (80,08%). Trong đó, cao nhất là Quảng Ninh với 90,61%, Bắc Kạn thấp nhất với 75,03%. TP HCM đứng thứ hạng 36 khi đạt 81,78%, tăng 7 bậc và tăng 3,4% so với năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 12 để giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố.
Đồng thời, giúp các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình.
Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 89.000 phiếu, trong đó, có 39.765 phiếu của người dân và 49.458 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương và lãnh đạo các hội, hiệp hội. Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.
Chỉ số cải cách hành chính ở cấp tỉnh được dựa trên kết quả đánh giá 8 chỉ số thành phần, gồm: Chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; cải cách thủ tục hành chính; cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách tài chính công; cải cách chế độ công vụ; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Bình luận (0)