Tại hội thảo, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH, LĐLĐ TP HCM, hiệp hội các doanh nghiệp (DN), KCX-KCN, tòa án, nhiều giảng viên và chuyên gia lao động đã góp ý các vấn đề liên quan chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề cho người thất nghiệp, thông tin thị trường lao động... Các đại biểu cũng chỉ ra khoảng trống trong dự thảo luật là các chính sách hỗ trợ dành cho lao động lớn tuổi (40 - 60 tuổi).
Theo nhiều đại biểu, người lao động (NLĐ) làm việc trong các ngành thâm dụng lao động có tuổi nghề rất ngắn, thấp hơn nhiều so với tuổi hưu. DN thường không tuyển dụng lao động trên 40 tuổi nên khi mất việc, NLĐ rất khó tìm việc làm mới.
Mặt khác, ở các ngành thâm dụng lao động như giày da, may mặc, NLĐ đa phần có trình độ phổ thông hoặc được đào tạo kỹ năng đơn giản, trình độ sơ cấp. Với tính chất công việc lặp đi lặp lại, ít thay đổi, họ ít có cơ hội tham gia đào tạo nâng cao tay nghề. Khi họ đến độ tuổi nhất định - thường sau 40, việc tham gia các khóa đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp để quay lại thị trường lao động hay đào tạo cập nhật các công nghệ mới cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, thế hệ lao động đầu tiên bước vào các ngành thâm dụng lao động bắt đầu rời ngành sau 20 năm làm việc ngày càng nhiều. Trong khi đó, sự cạnh tranh lao động ngày càng tăng khi các DN bắt đầu thực hiện việc thay đổi công nghệ để phù hợp yêu cầu sản xuất. Dù thực trạng này đã được các cơ quan chức năng nhìn nhận nhưng đến nay, trong các quy định pháp luật, kể cả Luật Việc làm, vẫn chưa có khái niệm chính thức về lao động lớn tuổi cũng như các chính sách đặc thù dành cho đối tượng này.
Nhằm tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi duy trì việc làm, được tạo việc làm bền vững, các đại biểu cho rằng dự thảo luật cần bổ sung các chính sách hỗ trợ. Cụ thể, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo và tái đào tạo lao động lớn tuổi theo nhu cầu của thị trường. Việc hỗ trợ đào tạo có thể thông qua DN, nơi NLĐ làm việc hoặc thông qua các đơn vị được nhà nước đặt hàng.
Ngoài ra, cần bổ sung chính sách hỗ trợ DN trong việc kéo giãn tuổi nghề cho NLĐ lớn tuổi khu vực thâm dụng lao động bằng công cụ thuế (chấp thuận chi phí tăng thêm cho việc tuyển dụng, duy trì việc làm cho người lớn tuổi, miễn giảm thuế thu nhập DN…). Bên cạnh đó, cần tăng cường việc định hướng nghề nghiệp, tư vấn chuyển đối nghề cho NLĐ lớn tuổi thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ phát triển các ngành nghề phù hợp với lao động lớn tuổi như giúp việc gia đình, hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi...
Bình luận (0)