Chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương mới từ 1-7-2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2024, ngày 4-5.
Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Tờ trình, báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội.
Bên cạnh nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong đó, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Trung Đông, thị trường thực phẩm Halal, Mỹ Latinh); có giải pháp kịp thời, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh…
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Thủ tướng đặc biệt lưu ý bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào khai thác.
Tăng cường quản lý các mặt hàng nổi lên như giá vàng, bảo đảm thuốc chữa bệnh cho người dân. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo các cơ quan triển khai các giải pháp toàn diện liên quan đến quản lý thị trường vàng.
Chuẩn bị đến ngày Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương được giao nhiệm vụ phải làm tốt công tác tổ chức.
Bên cạnh những điểm sáng về kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm, Thủ tướng nêu rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao.
Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Ngoài ra, còn 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.
Do đó, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa 3 đột phá chiến lược, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vừa thúc đẩy sự phát triển, làm mới các động lực truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo người đứng đầu Chính phủ, làm việc nào có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong bối cảnh công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian và nguồn lực có hạn.
Bình luận (0)