Thời gian làm việc kéo dài, công việc căng thẳng hoặc thiếu sự sáng tạo góp phần khiến tinh thần của người lao động (NLĐ) đi xuống. Để tái tạo năng lượng, dành thời gian cho bản thân, nhiều người đã chủ động nghỉ việc "xả hơi" một thời gian, tìm kiếm trải nghiệm mới.
Làm mới cuộc sống
Một năm qua, chị Bùi Đặng Cẩm Tiên (quê Đắk Lắk) không đi làm, dành hết thời gian cho gia đình. Chị xem đây là giai đoạn nghỉ ngơi sau gần 3 năm làm việc tại một tiệm vệ sinh giày trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM.
Trước đó, Tiên bắt đầu từ vị trí nhân viên bán thời gian. Ra trường, trải qua quá trình làm việc, chị được cất nhắc lên vị trí quản lý kiêm phụ trách truyền thông với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền thưởng, thu nhập của chị thuộc loại khá đối với sinh viên mới ra trường.
Dù vậy, làm việc lâu, Tiên nhận thấy sức khỏe ngày càng xuống dốc. Có một thời gian gần như ngày nào chị cũng phải uống thuốc điều trị hạch ở cổ. Hơn nữa, vì học chuyên về quan hệ công chúng nên khi làm trái ngành, chị không còn tìm thấy niềm vui trong công việc.
Mất 1 tháng bàn tính với gia đình, tháng 12-2022, Tiên nộp đơn xin nghỉ việc để dành thời gian cho bản thân phục hồi. Chị nhớ lại: "Ở nhà nhiều tháng, tôi nghe không ít lời bàn tán từ những người xung quanh. Nhưng đến nay, tôi tin rằng lựa chọn của mình là đúng đắn. Dự tính, sang năm 2024, khi sức khỏe chuyển biến tích cực, tôi sẽ quay lại tìm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện".
Tìm kiếm điều mới mẻ cũng là động lực thôi thúc anh K.Đ.L nghỉ việc văn phòng, trở về quê ở quê Lâm Đồng. Anh đã có 7 năm làm công việc sản xuất nội dung tại TP HCM. Môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn nhưng sau nhiều năm, anh tự thấy bản thân dần lạc hậu nên kỳ vọng có sự thay đổi.
Tháng 3-2022, L. xây dựng kế hoạch mở tiệm trà, cà phê ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dù kế hoạch còn không ít chỗ chưa khả thi nhưng muốn làm mới cuộc sống, anh vẫn quyết tâm thực hiện. Gia đình dù ủng hộ song cũng có phần lo lắng khi thấy anh từ bỏ công việc văn phòng ổn định để bước chân vào lĩnh vực rủi ro hơn.
Thời gian đầu, L. gặp không ít khó khăn như: không tìm được địa điểm mở quán, thiếu kinh nghiệm vận hành, thời tiết thất thường… Để tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, anh phải nhận làm thêm các dự án bên ngoài.
Dù vậy, L. không quá đặt nặng chuyện kinh doanh mà xác định rõ đây là dự án để bản thân trải nghiệm. "Quan trọng là công việc này giúp tôi tích lũy thêm vốn sống và xử lý nhiều tình huống khác nhau mà mình chưa từng trải qua" - anh bày tỏ.
Cân bằng ngay trong công việc
Việc tạm thời nghỉ việc, dành thời gian nghỉ ngơi hay thử thách bản thân là xu hướng giải tỏa các áp lực trong công việc của nhiều người.
Bà Lương Huệ Mẫn - thạc sĩ tâm lý lâm sàng, đại diện doanh nghiệp (DN) xã hội Tâm Nhung (quận 1, TP HCM) - cho rằng mỗi người có một ngưỡng sức bền tâm lý khác nhau. Khi các căng thẳng tích tụ đến gần ngưỡng này, chúng ta cần tìm cách "xả hơi" và sau đó quay lại với công việc. Tạm nghỉ ngơi là một cách để NLĐ làm mới bản thân, có thời gian nhìn nhận lại những giá trị và mong đợi trong công việc, cuộc sống.
Thống kê cho thấy có 42% NLĐ Việt Nam gặp căng thẳng trong công việc, biểu hiện qua tình trạng mệt mỏi ở mức độ thường xuyên và diễn ra trong thời gian dài. Nhiều chuyên gia đánh giá việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần đang là một thách thức đối với DN lẫn NLĐ vì thiếu thông tin, thiếu kiến thức phù hợp.
Theo bà Mẫn, việc nhận biết các dấu hiệu nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần của NLĐ tại nơi làm việc còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, góc nhìn về sức khỏe tâm thần của xã hội và chính bản thân NLĐ vẫn chưa cởi mở. Chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn được xem là điều gì đó khó chấp nhận nên NLĐ không sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ. Thậm chí, nếu đang gặp vấn đề về tâm lý, chính NLĐ cũng lo sợ bị người khác phát hiện.
"Hầu hết các quốc gia phát triển đều yêu cầu nhân viên dành thời gian để du lịch và nghỉ dưỡng, song không phải ai cũng có đủ điều kiện. Do đó, cân bằng áp lực ngay trong chính công việc là điều cấp bách và hữu ích hơn nhiều so với việc NLĐ được trải qua kỳ nghỉ" - bà Mẫn nhìn nhận.
Ông Steve Phạm, Chủ tịch sáng lập Học viện Quản trị ESI (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng DN nên bắt đầu từ việc quan tâm và xây dựng tổ chức hạnh phúc. Trong đó, cần nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong nội bộ. Chủ động bảo đảm, phát triển văn hóa DN và thiết kế công việc để mang lại kết quả tích cực về sức khỏe tâm thần, làm nền tảng cho sự an lành và hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược nhân sự, hỗ trợ nhân viên về các vấn đề liên quan để giảm thiểu tình trạng căng thẳng, kiệt sức, dẫn đến nghỉ việc.
Ông Steve Phạm nhấn mạnh: "DN cần ưu tiên thực hiện các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội và quản trị) trong tăng trưởng kinh doanh bền vững, quản lý con người thông qua năng lực đổi mới tổ chức và sự sáng tạo cá nhân".
Bình luận (0)