Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM ngày 24-5 phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo tham vấn "Xây dựng quy trình phối hợp, xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trên địa bàn TP HCM".
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện doanh nghiệp, nhà trường và các ban ngành, đoàn thể Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), LĐLĐ TP HCM, Phòng LĐ-TB-XH thuộc 21 quận huyện và TP Thủ Đức, cơ quan công an…
Phát biểu tại hội thảo, đại diện UN Women cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 có 9 điều liên quan đến phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ngoài ra, tại điều 85, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng có quy định liên quan. Trong đó yêu cầu người sử dụng lao động phải quy định trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động của mình.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2023, trong tổng số gần 29.000 doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên, chỉ có 10.473 bản nội quy lao động được các doanh nghiệp gửi đến cơ quan LĐ-TB-XH địa phương để thẩm định.
"Việc xây dựng và ban hành quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động của doanh nghiệp là một nội dung mới, đòi hỏi trình độ chuyên môn nhất định trong lĩnh vực này. Điều đó, đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định trong xây dựng và đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương" – bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, đại diện UN Women nói.
Từ thực tế trên, đòi hỏi cần có một Quy trình vận hành chuẩn đa ngành để xử lý các trường hợp quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trước mắt sẽ được thí điểm tại TP HCM.
Trên cở sở pháp lý là Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, UN Women đã xây dựng dự thảo quy trình vận hành tiêu chuẩn xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở TP HCM gồm 7 bước: Tiếp nhận khiếu nại; giải quyết tranh nội bộ thông qua hòa giải nếu vụ việc không nghiêm trọng; chỉ định người xác minh vụ việc; tiến hành xác minh vụ việc; thông báo kết quả; xử lý kỷ luật và bồi thường.
Góp ý tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá về sự cần thiết của quy trình phối hợp, xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đồng thời nêu ra một số ý kiến để quy trình này khi đưa vào thực tiễn có hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết, trên cơ sở góp ý từ các đại biểu, đơn vị sẽ tổng hợp, nghiên cứu, hoàn chỉnh quy định vận hành tiêu chuẩn xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Bình luận (0)