Khi phỏng vấn tuyển dụng, anh Nguyễn Trọng Hóa, công nhân cơ khí một doanh nghiệp (DN) trong KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM và công ty thống nhất mức lương 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi nhận phiếu lương hằng tháng, anh mới biết mình có đến 3 mức lương.
Nhiều hệ lụy
Cụ thể, Hóa cho biết 3 mức lương của anh gồm: lương để tính đóng BHXH hằng tháng là 5,7 triệu đồng; tổng lương (lương thực tế để tính ngày, giờ công) là 15 triệu đồng và thu nhập thực lĩnh sau khi trừ các khoản đóng BHXH, kinh phí Công đoàn, thuế thu nhập cá nhân (gồm tổng lương, thưởng năng suất, trách nhiệm, xăng xe, tiền cơm...).
"Hợp đồng lao động (HĐLĐ) chỉ ghi mức lương cơ bản là 5,7 triệu đồng/tháng. HĐLĐ của đồng nghiệp cũng vậy nên tôi nghĩ đó là quy định chung của công ty và không để ý. Nhưng nếu đóng BHXH trên mức lương thực tế thì cũng xót thật" - anh Hóa băn khoăn.
Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều DN. Để tránh phải đóng Quỹ BHXH với mức cao, DN sử dụng 2-3 bảng lương khác nhau. Trong đó, bảng lương để đóng BHXH luôn thấp nhất, gồm lương tối thiểu vùng cộng 7% - đối với người lao động (NLĐ) đã qua đào tạo nghề. Việc này cũng giúp NLĐ có khoản thu nhập trước mắt cao hơn nên họ chấp nhận nhưng về lâu dài thì họ lại thiệt thòi.
Ông L.Đ.C, quản lý tại một DN ở huyện Nhà Bè, là một ví dụ. Ông nghỉ hưu gần 10 năm, đến nay gần 70 tuổi vẫn phải đi làm vì lương hưu không đủ sống. Ông tham gia BHXH từ năm 1995 và nghỉ hưu vào năm 2016 khi đóng BHXH được gần 21 năm.
Khi nghỉ hưu, ông C. đã là trưởng phòng hành chính với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vì mức đóng BHXH thấp, chỉ dựa trên lương tối thiểu vùng dẫn đến lương hưu của ông chỉ 1,7 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay, ông mới được được 2,7 triệu đồng/tháng. Khoản lương hưu chỉ đủ tiền ăn trong khi còn cha mẹ già nên ông không dám nghỉ ngơi.
"Dù tôi có BHYT nhưng tuổi già nhiều bệnh tật, chi phí y tế lớn. Năm 2022, tôi phải phẫu thuật với khoản chi phí hơn 100 triệu đồng, BHYT thanh toán hơn 60 triệu đồng, phần còn lại do tôi chi trả. Nếu chỉ dựa vào tiền hưu thì tôi sẽ không có cách nào giải quyết. Vì vậy, tôi cho rằng đến lúc phải thống nhất mức đóng BHXH để hạn chế DN lách luật" - ông C. kiến nghị.
Không chỉ chế độ hưu trí, NLĐ còn chịu nhiều thiệt hại khác do đóng BHXH thấp. Khi sinh con thứ hai vào đầu năm 2023, chị Đoàn Thanh Trúc (phó phòng nhân sự tại một DN ở quận Phú Nhuận, TP HCM) rất hoang mang do chỉ nhận hơn 40 triệu đồng tiền thai sản vì lúc sinh con đầu lòng năm 2019, chị nhận được gấp đôi.
Chị Trúc kể: "Tôi làm tại công ty này được 2 năm sau thời gian nghỉ ở nhà chăm con. Khi làm ở công ty trước, tôi đóng BHXH với mức lương khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, khi sang công ty mới, thu nhập không thay đổi đáng kể nhưng khoản đóng BHXH lại thấp hơn (7 triệu đồng). Bình thường tôi không quan tâm nhưng khi nhận chế độ thai sản, thấy sự khác biệt quá lớn thì lại lo".
Quy định mức đóng BHXH chặt chẽ hơn
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy giai đoạn 2016 - 2022, tiền lương căn cứ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ tăng dần từng năm, từ mức 4,3 triệu đồng/tháng năm 2016 lên 5,73 triệu đồng/tháng năm 2022, song tỉ lệ tăng các năm có xu hướng giảm dần (cao nhất là năm 2018 - tăng 10,92%, thấp nhất là năm 2022 - chỉ 0,55%).
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn nhận từ thực tế nêu trên và một số cuộc khảo sát về lương, thu nhập của NLĐ trong các DN cho thấy còn khoảng cách khá xa giữa mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với tiền lương và thu nhập thực tế. Tại nhiều DN, tỉ lệ này chỉ chiếm 50% - 60%. Hệ quả là có khoảng cách rất lớn về lương hưu với thu nhập thực tế khi đang làm việc.
Theo ông Nam, mức đóng BHXH thấp do chưa có quy định về đóng dựa trên mức tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ. Với cơ chế tiền lương thỏa thuận và chính sách tiền lương do DN tự quyết định thì việc đóng dựa trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung sẽ không đồng nhất ở các DN. Thông thường, DN có xu hướng chuyển các khoản chi lương cố định sang các khoản lương phụ thuộc vào kết quả đánh giá công việc, hiệu quả kinh doanh hoặc phúc lợi để giảm số tiền phải đóng Quỹ BHXH.
"Để khắc phục thực trạng trên, Luật BHXH sẽ sửa đổi theo hướng tiền lương căn cứ đóng BHXH của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương" - ông Nam cho hay.
Bà Phạm Thị Thanh Trúc, Thẩm phán Tòa Lao động - TAND TP HCM, cho rằng ngoài quy định mức lương đóng BHXH chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng DN lách luật, cần hướng dẫn, tuyên truyền cho NLĐ biết rằng nếu đóng BHXH ít thì khi xảy ra tranh chấp sẽ hưởng quyền lợi ít, đồng thời sẽ phải nhận mức lương hưu thấp.
Bà Trúc cho biết thực tế xét xử tại tòa án cho thấy khi giao kết HĐLĐ thì cả NLĐ và người sử dụng lao động đều muốn đóng BHXH ít nên thỏa thuận mức lương ghi trong HĐLĐ thấp hơn mức lương thực tế. Do vậy, có những HĐLĐ khi nhìn vào mục tiền lương đã thấy bất cập. Chẳng hạn, lương cơ bản 6 triệu đồng, phụ cấp điện thoại 5 triệu đồng, xăng xe 5 triệu đồng... Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp lao động thì NLĐ luôn muốn được tính hưởng mức đóng BHXH, các khoản bồi thường theo mức lương thực tế.
"Luật BHXH quy định tiền lương đóng BHXH là lương ghi trên HĐLĐ nên tòa cứ theo đó mà xử nhưng rất khó giải thích cho NLĐ hiểu" - bà Trúc băn khoăn.
Ông LÒ QUÂN HIỆP, Giám đốc BHXH TP HCM:
Tính lại mức đóng
Để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, nên quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ, thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Bình luận (0)