Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, nhất là khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Những hình thức lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa đến sự an toàn thông tin cá nhân của người dân. Vì vậy, cần nâng cao cảnh giác và cẩn trọng trong các giao dịch trực tuyến.
1. Lừa đảo qua việc đặt vé xe khách tuyến Bắc - Nam
Gần đây, Công an thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã triệt phá một nhóm lừa đảo chuyên thực hiện hành vi gian lận qua không gian mạng, lợi dụng nhu cầu đặt vé xe khách tuyến Bắc - Nam.
Các đối tượng này đã giả mạo các nhà xe uy tín để tạo các trang web giả, yêu cầu khách hàng chuyển khoản đặt cọc qua số điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng không chính chủ. Sau khi nhận được tiền, chúng lập tức chặn mọi phương thức liên lạc với nạn nhân. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm lừa đảo này đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ nhiều người dân cả nước.
Trước tình trạng lừa đảo gia tăng, đặc biệt trong dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân chỉ nên đặt vé qua các đại lý và hãng xe chính thức, có thông tin rõ ràng và hợp pháp. Hơn nữa, người dân cần xác minh kỹ tài khoản nhận tiền để đảm bảo đó là đại lý chính thức, tránh chuyển khoản qua tài khoản cá nhân không rõ nguồn gốc. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
2. Lừa đảo sinh viên qua mạo danh các trường đại học
Mới đây, nhiều trường đại học đã cảnh báo sinh viên về các chiêu trò lừa đảo, nhất là việc giả mạo thông báo trúng tuyển học bổng hoặc yêu cầu đóng phí để được xét duyệt. Những thủ đoạn này đã khiến một số sinh viên mất cảnh giác và bị lừa chuyển khoản số tiền lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng.
Để bảo vệ mình khỏi các chiêu trò này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo sinh viên chỉ nên thanh toán học phí qua các kênh chính thức do nhà trường cung cấp, và tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc các tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc. Sinh viên cũng cần thường xuyên kiểm tra thông tin trên trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với phòng tài chính để xác nhận và được hướng dẫn chi tiết về các khoản phí.
3. Lừa đảo qua việc tuyển cộng tác viên online
Các chiêu trò lừa đảo liên quan đến tuyển cộng tác viên online, làm công việc thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp bán hàng, đang ngày càng trở nên phổ biến.
Những lời mời hấp dẫn như cam kết hưởng chênh lệch 10-20% trên mỗi đơn hàng đã thu hút không ít người tham gia, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ, những người tìm kiếm công việc thêm thu nhập. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân đã bị lừa, như trường hợp một phụ nữ tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, bị lừa gần 200 triệu đồng khi tham gia công việc cộng tác viên online.
Các đối tượng lừa đảo thường tạo ra các mồi nhử hấp dẫn, dụ dỗ người dân tham gia và yêu cầu nạn nhân thanh toán trước một khoản tiền để nhận hoa hồng cao từ việc bán hàng online. Sau khi nhận tiền, chúng chặn liên lạc và không thực hiện cam kết.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng với các lời mời làm cộng tác viên online với lợi nhuận cao. Trước khi tham gia, cần kiểm tra kỹ thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ qua các nguồn đáng tin cậy để xác minh tính chính xác của công ty hoặc tổ chức đó.
Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay mật khẩu trên các trang web không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để nhận sự hỗ trợ kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật. Hành động sớm không chỉ giúp bảo vệ tài chính cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo tiếp theo.
Những hành vi lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tinh vi và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, vì vậy, việc nâng cao nhận thức và cảnh giác là rất quan trọng để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới.
Bình luận (0)