Phát biểu hôm 28-4 tại "Hội nghị đặc biệt về hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng lượng cho phát triển" của WEF tại Riyadh - Ả Rập Saudi, ông Brende nhấn mạnh tỉ lệ nợ toàn cầu đang gần đạt mức chưa từng thấy kể từ những năm 1820 và có nguy cơ "lạm phát đình trệ" đối với các nền kinh tế phát triển.
Ông Brende nói với đài CNBC tăng trưởng toàn cầu năm nay ước tính khoảng 3,2%. Theo ông, con số này không tệ nhưng không phải là những gì thế giới thường chứng kiến - xu hướng tăng trưởng từng là 4% trong nhiều thập kỷ - và có nguy cơ xảy ra suy thoái như từng thấy vào những năm 1970 ở một số nền kinh tế lớn.
Khi được hỏi về khả năng tránh giai đoạn tăng trưởng thấp, ông cho rằng: "Chúng ta không thể tham gia vào cuộc chiến thương mại, chúng ta vẫn phải giao thương với nhau".
Ông Brende cho rằng thế giới phải giải quyết tình hình nợ toàn cầu. Theo ông, thế giới chưa từng chứng kiến nợ ở quy mô này kể từ thời Chiến tranh Napoléon (1803-1815) và đang nợ gần 100% GDP toàn cầu.
Ông cho rằng các chính phủ cần xem xét cách giảm khoản nợ đó và thực hiện các biện pháp tài chính phù hợp mà không rơi vào kịch bản châm ngòi suy thoái kinh tế. Chủ tịch WEF cũng lập luận những áp lực lạm phát dai dẳng và trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển.
Lời cảnh báo của ông Brende nhắc lại báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nợ công toàn cầu đã tăng tới 93% GDP vào năm ngoái và vẫn cao hơn 9 điểm% so với mức trước đại dịch. IMF dự báo nợ công toàn cầu có thể đạt gần 100% GDP vào cuối thập kỷ này.
Ông Brende cho rằng rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là suy thoái địa chính trị, đặc biệt là những căng thẳng gần đây giữa Iran và Israel. Ông lo ngại: "Có rất nhiều điều không thể đoán trước và có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu xung đột Israel và Iran leo thang, chúng ta có thể thấy giá dầu lên tới 150 USD/thùng chỉ sau một đêm. Điều đó tất nhiên sẽ gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu".
Bình luận (0)