Báo cáo mới nhất của Chính phủ trình Quốc hội cho biết tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tính năm 2014 là 1.567.063 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Trong các “ông lớn” nhà nước nợ nần nhiều có những “anh tài” như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam...
Cho dù báo cáo của Chính phủ có cho rằng tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các tập đoàn, tổng công ty đã có dấu hiệu được cải thiện hơn so với trước đây. Tuy nhiên, con số nợ của các DNNN vẫn gia tăng liên tiếp trong những năm qua. Tại kỳ họp cuối năm 2014, báo cáo của Chính phủ đưa ra Quốc hội từng cho biết tổng nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty nhà nước xấp xỉ 1,515 triệu tỉ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Trong khi đó, chưa kể tới vấn đề đáng lo ngại là có những DNNN có hệ số thanh toán nợ tổng quát nhỏ hơn 1, nói cách khác là đã thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu nên tài sản không bảo đảm khả năng thanh toán nợ hiện có.
DNNN từng được kỳ vọng là những trụ cột, những “quả đấm thép” của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Với những kỳ vọng to lớn này, DNNN đã được hưởng những ưu ái khiến các khu vực DN khác phải ghen tị và thèm muốn, đặc biệt là về cơ chế chính sách và vốn. DNNN hiện chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế song lại chỉ làm ra được khoảng 28% GDP. Hay mới đây nhất đã có ý kiến đưa ra tại Quốc hội là xóa nợ thuế cho các DNNN và bị phản ứng.
Nhận được nhiều ưu đãi, nguồn lực đầu tư song DNNN lại tỏ ra thua sút DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về hiệu quả. DNNN sử dụng đồng vốn nhiều hơn, đất đai nhiều hơn song lại tạo ra doanh thu và tạo công ăn việc làm đều kém hơn DN tư nhân và DN FDI.
Thách thức lớn nhất với nền kinh tế nước ta trong bối cảnh đã ký kết để tham gia từ “sân chơi” khu vực như Cộng đồng ASEAN cho tới toàn cầu như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. “Ăn” nhiều nguồn lực mà sức mạnh, khả năng cạnh tranh không nâng lên tương xứng như DNNN thì làm sao cạnh tranh nổi. Bởi thế, bên cạnh việc cần mạnh tay cắt ngay “vòi sữa” từ nhà nước, chỉ nên giữ những DNNN hoạt động trong lĩnh vực ảnh hưởng mật thiết tới an ninh, quốc phòng và công ích, còn lại mạnh dạn để tư nhân làm cả những lĩnh vực lâu nay vẫn quan niệm thiết yếu hay nhạy cảm. Chuyển nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn là cách tốt nhất nâng cao khả năng của nền kinh tế.
Bình luận (0)