Nếu tôi là quan chức tỉnh nọ, ngành kia, tôi sẽ không “ngự” trên chiếc xe sang ngang giá vài ngàn con trâu chạy trên đường bởi vì chức vụ của tôi chỉ cho phép sử dụng loại xe ít tốn tiền hơn.
Những câu giả dụ như thế này là chuyện buồn về đạo làm quan. Đã là quan quyền thì phải có uy. Nhưng cái uy để người khác nể trọng không phải bởi trụ sở hoành tráng hay nhà riêng kín cổng cao tường mà từ tác phong, cách tiếp xúc, hiệu quả công việc đem lại bằng sự quyết đoán, năng lực hơn người. Cái uy còn là sự nể trọng, thương quý mà người dân dành cho những vị quan thanh liêm, cống hiến nhiều cho nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho dân, có vị khi mất đi còn được dân thờ. Còn sắm chiếc ghế thật to bằng gỗ cực quý, đi chiếc xe thật đắt tiền để “giải quyết khâu oai” mà năng lực xoàng xĩnh, đạo đức tầm thường thì cái oai này cũng chỉ là con hổ giấy trong mắt người hiểu chuyện, rành sự đời.
Không ít vị thể hiện quyền uy bằng sự coi thường người khác, quen giọng rao giảng, nói những điều sáo rỗng, cũ mòn. Có giám đốc sở, phó tổng giám đốc công ty lớn nói chuyện với nhà báo mà chì chiết, thiếu tôn trọng và gọi “mày, tao”, đem người này, người khác ra hù dọa. Với nhà báo còn như thế, với dân họ sẽ nói những gì? Liệu gặp quan trên họ có dám giở giọng đó ra không hay khúm núm dạ thưa từ đầu đến cuối?
Nói rộng thêm, căn bệnh chuộng hình thức, chạy theo bề nổi và hành xử thiếu văn hóa còn là thể hiện tầm của quan trí chưa tương xứng với cương vị. Chúng ta đang có không ít ông quan nói nhiều làm ít, chỉ nói không làm, cả nhiệm kỳ chẳng để lại dấu ấn gì mà bám ghế thì không ai bằng. Người tài giỏi bị các ông này đè nén, tìm cách gạt ra hoặc họ bỏ đi vì thấy không thể làm việc với loại người thua kém mình mọi mặt, chỉ giỏi hơn mình thủ đoạn mà thôi.
Phải nhìn nhận công bằng là những năm qua, công tác cán bộ ở nhiều cấp ngành, địa phương đã làm tốt, lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cũng có những kẽ hở cho gia đình, dòng họ, cho phe cánh cài cắm, đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào nắm giữ vị trí định sẵn hoặc “chạy” để được tuyển dụng, bổ nhiệm. Khi các cán bộ này ngồi vào những chiếc ghế được dựng nên, các thủ tục đều được bày biện, thu vén nghe ra đều đúng quy trình, khó bắt bẻ… Đến khi không thể che giấu, sự thật mới phơi bày.
Người dân hôm nay chỉ mong cán bộ làm được việc và gần dân, hiểu dân. Mong sao cả hệ thống luôn chuyển động, khắc phục khiếm khuyết trong công tác cán bộ để có thêm nhiều hiền tài, sống giản dị, hết lòng phục vụ nhân dân.
Bình luận (0)