Trước đây, Công ty Vedan từng gây bức xúc dư luận do đầu độc sông Thị Vải suốt hơn 10 năm bằng nước thải độc. Sau đó, doanh nghiệp này phải trả giá cho kiểu kinh doanh “làm giàu bằng mọi giá” khi phải chi hàng trăm tỉ đồng để bồi thường thiệt hại cho người dân; trả lại sự sống cho sông Thị Vải. Điều quan trọng hơn, qua vụ Vedan, cho thấy một khi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt “đối đầu” với tội phạm về môi trường thì không một ai có thể lọt lưới pháp luật. Còn ngược lại, dư luận không thể không đặt câu hỏi ai đã dung túng cho kiểu làm ăn đen tối, kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn của doanh nghiệp!
Trở lại câu chuyện của Công ty Hào Dương. “Thành tích” phá hoại môi trường của doanh nghiệp này còn hơn cả Công ty Vedan. Sự ngoan cố không chỉ thể hiện qua số lần vi phạm mà còn là sự thách thức pháp luật. Năm 2007, Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC) kiểm tra và phát hiện Hào Dương bơm nước thải và xả bùn ra sông Đồng Điền nên tạm ngưng cung cấp nước. Không chịu thua, lãnh đạo Công ty Hào Dương công khai thuê sà lan vận chuyển nước từ nơi khác đến để sản xuất và tiếp tục xả thải. HIPC liền ngưng cung cấp điện thì Công ty Hào Dương tự trang bị máy phát điện để sản xuất. Đến cuối năm 2008, Công an TP HCM lại bắt quả tang công nhân của công ty này tự ý bơm hàng trăm m3 nước thải độc hại ra sông Đông Điền. Để có cơ sở xử lý, lực lượng chức năng niêm phòng toàn bộ hệ thống ống bơm nổi trên các bể chứa nhưng sau đó, Công ty Hào Dương tự ý tháo gỡ niêm phong, dỡ các điểm tiếp nối của hệ thống ống nhựa dẫn nước thải để xóa hiện trường.
Từ thời điểm đó đến nay, đều đặn qua mỗi năm, công ty này liên tục bị bắt quả tang, bị lập biên bản xử phạt với cùng hành vi đầu độc môi trường. Sự ngang nhiên vi phạm và vi phạm có hệ thống của Công ty Hào Dương khiến chúng ta phải suy nghĩ: Quy định pháp luật có; chứng cứ vi phạm có... nhưng tại sao không thể đình chỉ hoạt động, rút giấy phép hoặc truy tố ra trước pháp luật?
Lần vi phạm gần đây nhất, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phải có văn bản đề xuất UBND TP đình chỉ hoạt động đối với Công ty Hào Dương theo điều 48 Nghị định 117/CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa xử lý được.
Vì thế, dư luận cho rằng việc bị bắt quả tang lần này chưa hẳn đồng nghĩa với việc từ nay, hành vi vi phạm, coi thường pháp luật của Công ty Hào Dương sẽ chấm dứt.
Bình luận (0)