Dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra ở nhiều địa phương với thông tin nóng hàng ngày, hàng giờ rất đáng lo ngại.
Đợt bùng phát dịch lần thứ ba này cho thấy sự nguy hiểm hơn các lần trước khi xuất hiện chủng virus mới, lây lan nhanh trong cộng đồng, xảy ra gần như đồng loạt ngoài Bắc, trong Nam và Tây Nguyên. Đặc biệt, thời điểm bùng dịch ngay trước Tết Nguyên đán là lúc người dân đi lại đông, đang chuẩn bị nhiều hoạt động vui chơi mừng năm mới, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trước thành công của 2 đợt chống dịch lần trước.
Vì vậy, ngoài vấn đề chuyên môn, đảm bảo an toàn dịch tễ, tập trung cách ly điều trị nhanh nhất, thì việc triệt để tuân thủ các biện pháp phòng dịch, đảm bảo "5K" là điều kiện tiên quyết, là "chiếc áo giáp" hữu hiệu nhất bảo vệ người dân. Trong đó có việc phải "hy sinh" những sinh hoạt vui chơi chính đáng mà chưa thật sự bức thiết như sự kiện lễ hội, bắn pháo hoa.
Điều đáng mừng là hàng loạt các tỉnh, thành trong cả nước đã quyết định không tổ chức bắn pháo hoa mừng xuân Tân Sửu để tập trung phòng chống dịch bệnh; trong đó tất cả 13/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL không tổ chức bắn pháo hoa và các hoạt động lễ hội mừng xuân mới, tụ tập đông người nơi công cộng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc dừng bắn pháo hoa mừng năm mới và vận động hạn chế đến mức tối đa tập trung nhiều người tại lễ tang, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tiệc mừng cuối năm, đám cưới.
Đây là quyết định hợp lòng dân!
Mỗi dịp kỷ niệm, lễ hội, nhất là dịp đón năm mới, nhiều nơi tổ chức lễ hội, vui chơi, bắn pháo hoa thì luôn xuất hiện 2 luồng ý kiến trái chiều. Đó là việc cần thiết tạo không khí vui tươi, phấn khởi hay lãng phí?
Nhóm ủng hộ cho rằng, đây là một việc hữu ích, bởi lẽ cuộc sống đâu chỉ có vật chất mà còn có những giá trị tinh thần không đo đếm được. Đã có quy định xã hội hóa cho hoạt động công cộng này, nên chỉ cần quản lý tốt tránh sự cố cháy, nổ, mất an toàn là được. Nhưng ý kiến ngược lại cũng có lý khi cho rằng, hàng chục tỉ đồng bị "nổ tung" trong vòng vài phút mà không mang lại lợi ích gì rõ rệt, trong khi nhiều địa phương còn nghèo, hạ tầng yếu kém, còn nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế bức xúc cần được tập trung giải quyết mà tiền lại dùng vào việc vui chơi là không thỏa đáng.
Tất cả đều có lý do chính đáng, nhưng điều quan trọng là cách thức chọn lựa - ra quyết định của cơ quan thẩm quyền phải phù hợp với yêu cầu chung của xã hội và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Xét góc độ lý thuyết kinh tế, màn trình diễn pháo hoa là hàng hóa công cộng địa phương, bởi nó vừa không mang tính cạnh tranh, một cá nhân sử dụng không làm ảnh hưởng đến giá trị và tính có thể sử dụng của nó đối với cá nhân khác, vừa không mang tính loại trừ vì không thể ngăn cản mọi người hưởng giá trị sử dụng của nó. Nhưng không giống các loại "hàng hóa công cộng" khác như không khí để thở, an ninh quốc gia, hệ thống kiểm soát lũ lụt,... là không thể thiếu; vắng pháo hoa, không làm người dân mất không khí để thở, đe dọa an toàn tính mạng, vận mệnh nước nhà.
Hàng hóa công cộng như pháo hoa là cần, nhưng cũng như một số loại hàng hóa công cộng "không thu phí" khác bị lạm dụng, bị khai thác sử dụng quá mức hay không đúng cách sẽ dẫn tới những ảnh hưởng ngoại lai tiêu cực tác động đến tất cả mọi người sử dụng.
Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc làm thế nào để xác định tầm quan trọng của các vấn đề liên quan tới hàng hóa công cộng trong nền kinh tế, hay cũng như để tìm ra những biện pháp khắc phục tối ưu.
Với yêu cầu phải đảm bảo "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nhưng mục tiêu ưu tiên trước mắt là phải đảm bảo tính mạng, sức khỏe người dân, an toàn trước dịch bệnh.
Phòng bệnh dịch hay biểu diễn pháo hoa? Bắn pháo hoa hay không lúc này không chỉ đơn thuần là hoạt động vui chơi, mà còn phải đặt trong yêu cầu kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh với quyết tâm cao nhất.
Hiệu quả phòng chống dịch đến đâu đang phụ thuộc vào thái độ ứng xử của chúng ta.
Bình luận (0)