Họ có thể dư dả, nhưng chọn cách sống bình dị để dành tiền làm từ thiện. Họ tiết kiệm đúng lúc đúng chỗ, thậm chí ra ngoài người khác hào nhoáng khoe mẽ khoe của, còn họ thì không. Cả cái tên để lại họ cũng khiêm tốn, có khi chỉ ghi đơn sơ chị Hồng, chị Huệ hoặc đề nghị không nêu tên. Họ xử sự như làm một bổn phận phải đóng góp giúp người.
Những ngày qua, Báo Người Lao Động của chúng tôi vận hành "ATM thực phẩm miễn phí". Cùng các cơ quan, doanh nghiệp, những người thiện tâm đến với báo rất đông. Có người đi ngang, biết chuyện liền về nhà chở gạo và thực phẩm đến ủng hộ. Có người đọc báo, đến tận nơi quan sát cách vận hành, thấu hiểu quy trình, cách hoạt động hiệu quả mới gặp người của báo để đóng góp… Nhiều câu chuyện, hình ảnh cảm động đã được cán bộ công nhân viên, phóng viên đưa lên báo và trang cá nhân. Cả cơ quan cùng xắn tay vào bốc dỡ hàng, dọn kho, vận hành ATM, giữ trật tự, hỗ trợ người già yếu, tật nguyền. Chúng tôi biết đã có rất nhiều bài học từ những ngày này, để sống đúng nghĩa là người tử tế.
Không phải ngẫu nhiên mà Sài Gòn - TP HCM là thành phố nghĩa tình. Càng văn minh, hiện đại, truyền thống nghĩa tình càng được giữ gìn, phát huy, trở thành một tố chất điển hình của người dân TP phương Nam.
Người nghèo nhận gạo và thực phẩm tại “ATM thực phẩm miễn phí” của Báo Người Lao Động ở Văn phòng Đại diện tại Hà Nội, 16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm Ảnh: NGÔ NHUNG
Với tính cách hào sảng, nghĩa hiệp của cư dân, TP HCM thường là nơi xuất phát của nhiều câu chuyện về tình người, từ thùng trà đá, ổ bánh mì miễn phí đến những căn nhà tình nghĩa, những đồng vốn xóa đói giảm nghèo, để trở thành những chương trình lớn của cả nước. Đến bệnh viện, sẽ thấy những phiếu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo, cho người chăm bệnh thuê, có hộp cơm nóng qua bữa mỗi ngày. Người nghèo cũng được giúp đỡ bằng những quán cơm 2.000 đồng và sự tiếp đón ân cần để không mặc cảm. Có những góc phố bày nhiều quần áo cũ do mọi người gom góp, nhằm giúp người nghèo khó có áo quần lành lặn trên đường mưu sinh nhọc nặng mỗi ngày. Giúp nhau cơm ăn, áo mặc khi lỡ đường, cơ nhỡ, lúc số phận đẩy đưa lâm cảnh ngặt nghèo, thật là đáng quý. Tương tự là những trường hợp cần giúp đỡ đưa lên báo thường được các nhà hảo tâm hỗ trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Và mùa dịch Covid-19 này, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nghệ sĩ, cùng các mạnh thường quân với nhiều hình thức, đã hết lòng giúp đỡ người nghèo. Người này nấu cơm từ thiện, người khác để những phần quà trước nhà, với lời ghi: "Nếu khó khăn, mời nhận một phần quà, đừng ngại"… Cây ATM gạo ra đời, lan tỏa ở các địa phương. "ATM thực phẩm miễn phí" là sáng kiến của Báo Người Lao Động, từ 2 cây ATM ở TP HCM đã thêm 1 cây ATM khai trương ngày 26-4 ở Hà Nội. Có gạo, có thức ăn, người nghèo được bữa cơm ngon, đủ năng lượng và dinh dưỡng để sống mạnh khỏe, qua mùa dịch…
Trao yêu thương để nhận yêu thương. Tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào ở thành phố nghĩa tình càng tỏa sáng theo thời gian và những dòng sự kiện.
Bình luận (0)