Một chuyên gia nhiều năm gắn bó với giáo dục ĐH từng thốt lên: “Kinh doanh giáo dục quả là siêu lợi nhuận!”. Chuyên gia này nhận định dựa trên mức học phí mà sinh viên các trường ĐH ngoài công lập phải đóng tăng đến chóng mặt. Nhiều người chạnh lòng “xót” cho ĐH công lập và ai cũng nghĩ rằng làm việc ở các trường ĐH công lập ắt phải chịu cảnh thu nhập thấp.
Thế nhưng, thật không khỏi giật mình khi biết trường ĐH công lập cũng có thể làm ra rất nhiều tiền. Trao đổi với chúng tôi chiều 21-12, ông Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, phủ nhận thông tin ban giám hiệu trường này chia nhau khoản tiền Tết 100 - 600 triệu đồng/người. Ông Hướng cho biết thu nhập bình quân của CB-CNV trong trường năm 2008 là 65 triệu đồng/người/năm và năm 2009 khoảng 86 triệu đồng/người/năm.
Ông Hướng cũng thừa nhận có cán bộ ở trường này thu nhập... 86 triệu đồng/tháng! Đó là bà Đ.T.N.L, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế của trường. Bà L. hiện đang đi làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài nhưng vẫn điều hành trung tâm này.
Theo ông Ngô Hướng, Trung tâm Hợp quốc tế của trường hoạt động theo cơ chế lấy thu bù chi, hoàn toàn tự chủ trong việc chi trả lương. Trung tâm này hiện có gần 400 học viên theo học bậc thạc sĩ, cử nhân với mức học phí 6.000 - 7.000 USD/năm theo các chương trình liên kết với nước ngoài. Năm 2009, tổng doanh thu của trung tâm đạt 30 tỉ đồng, trong đó đối tác nước ngoài hưởng 60%.
Với thành quả ấy, trường đã trích 10% lợi nhuận để trả cho cán bộ trung tâm. Lợi nhuận còn lại trường dùng để làm gì, trong khi sinh viên ĐH Ngân hàng TPHCM lâu nay kêu ca về cơ sở vật chất giảng dạy không được cải thiện?
Hiện Bộ GD-ĐT chưa hề có văn bản nào quy định mức học phí của các chương trình liên kết quốc tế và vô hình trung, nó đã tạo kẽ hở giúp các trường ăn nên làm ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, mức học phí mà người học các chương trình liên kết quốc tế này phải đóng có đi đôi với chất lượng đào tạo? Mục tiêu của các chương trình liên kết là đào tạo hay lợi nhuận? Việc quản lý tài chính ở các trung tâm hợp tác quốc tế như thế nào? Lợi nhuận thu được chia nhau hay đầu tư cho đào tạo?...
Hàng loạt câu hỏi về việc “kinh doanh” đào tạo ở các trường ĐH công lập đang đặt ra.
Bình luận (0)