Thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng ngày càng phổ biến, khiến người tiêu dùng như lạc vào "mê hồn trận" với đủ loại hàng hóa và có thể mua nhầm hàng giả bất cứ lúc nào.
Hàng giả, hàng nhái tràn lan
Từng mua một đôi giày có mẫu mã và logo thương hiệu nổi tiếng toàn cầu giá 280.000 đồng trong một phiên livestream trên Facebook, ông Phùng Ngọc Tín (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết đã rất thất vọng khi nhận hàng vì chất lượng đôi giày quá tệ, như da giày và đế, vải lót bên trong rất cứng. Mang được 1 - 2 ngày, do bàn chân và gót chân bị ê buốt nên ông không sử dụng tiếp. "Biết là hàng nhái nhưng vì thấy thiết kế đẹp, giá chỉ bằng 1/10 giá chính hãng, lại được người bán livestream giới thiệu rất sinh động và chắc chắn nên tôi mua trải nghiệm. Nhưng không ngờ chất lượng lại tệ đến vậy, còn dỏm hơn các thương hiệu giày chính hãng trong nước sản xuất" - ông Tín nói.
Tương tự, bà Ly Ly (nhân viên văn phòng tại quận 1, TP HCM) đã mua loại nước tẩy trang thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp thông qua livestream của tài khoản N.L vì thấy rẻ hơn cửa hàng khoảng 500.000 đồng, lại còn được khuyến mãi mua 1 tặng 1. "Ban đầu tôi nghi ngờ là hàng giả nhưng sau khi tương tác trên livestream, người bán khẳng định là hàng xách tay số lượng lớn và đang xả kho, không tốn tiền thuê mặt bằng nên giá rẻ nên tôi quyết định đặt mua. Sử dụng lần đầu tiên, da tôi đã bị mẩn đỏ và nổi mụn li ti rất nhiều. Tôi kiểm tra và so sánh với sản phẩm đang dùng thì rất giống nhưng khi quét mã vạch mới phát hiện hàng không phải chính hãng" - bà Ly nói.
Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương đã vào cuộc ngăn chặn rất nhiều vụ việc bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ trong các phiên livestream.
Mới đây nhất, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cà Mau cho biết đã tạm giữ khoảng 10 tấn hàng hóa gồm quần áo, túi xách, mỹ phẩm... không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store do bà N.T.M (31 tuổi, ngụ Cà Mau) làm chủ và số hàng trên chủ yếu được bán qua livestream.
Theo lực lượng chức năng Cà Mau, toàn bộ hoạt động livestream bán hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store diễn ra trên Facebook qua 2 tài khoản chính là Nguyễn Mai Store Cà Mau với 10.000 lượt theo dõi và Nguyễn Mai Store với 1.600 lượt theo dõi. Với mỗi phiên livestream, các tài khoản này đều có hàng trăm lượt bình luận và chốt đơn sản phẩm. Chỉ trong 2 ngày 17 và 18-6, tổng doanh thu hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store chốt đơn gần 600 triệu đồng. Các sản phẩm được giới thiệu trên livestream chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
Cùng thời gian này, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tiến hành kiểm tra kho chứa hàng hóa của chủ tài khoản Facebook Shop Tú Uyên thuộc hộ kinh doanh Thông Uyên (tổ 10, ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). Đây là tài khoản có hơn 134.000 người theo dõi, 80.000 lượt thích; kinh doanh hàng thời trang các loại (quần áo, giày dép, túi xách...) với hình thức livestream.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho đang có 1.720 sản phẩm hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất (gồm quần áo, dép, túi xách), không ghi nguồn gốc xuất xứ, không rõ nhãn hiệu, ước tính tổng trị giá hơn 139 triệu đồng.
Chặn bằng cách nào?
Theo các chuyên gia TMĐT, tình trạng bán hàng bát nháo trên livestream thời gian qua chưa thể xử lý triệt để do hình thức này biến đổi liên tục. Bên cạnh đó, số tiền bị xử phạt chiếm rất nhỏ so với lợi nhuận của người bán, ở mức 50 - 70 triệu đồng. Các sản phẩm bán trên livestream đa số là hàng thời trang, phụ kiện điện thoại, đồ trang trí... giá trị thấp, dao động 50.000 - 250.000 đồng, không có hóa đơn bán hàng. Người tiêu dùng mua nhầm hàng giả, hàng nhái cũng ít khi khiếu nại, tố cáo nên khi bị phát hiện, người bán chủ yếu bị phạt hành chính, rất ít trường hợp bị xử lý hình sự.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo các chuyên gia, ngoài việc định danh người bán và yêu cầu xuất hóa đơn điện tử, các cơ quan như QLTT, thuế... cần phối hợp giám sát hàng hóa chặt chẽ, xây dựng quy định bán hàng online phù hợp thực tế và chế tài đủ sức răn đe như: tăng mức xử phạt, mở rộng ngành hàng bị làm giả, nhái đang bán rộng rãi trên mạng để tăng khả năng xử lý hình sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Khắc Huy, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT, cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm trên TMĐT, qua đó phát hiện nhiều vi phạm, điển hình là vụ giả mạo gạo mang thương hiệu "Ông Cua" gần đây.
Lực lượng QLTT các địa phương cũng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng. Nhiều sản phẩm khi bán trên các sàn TMĐT hay livestream được quảng cáo trưng bày là thật nhưng khi người dùng nhận sản phẩm lại là hàng giả, chất lượng không bảo đảm, nhãn hiệu bị giả mạo không đúng như quảng cáo.
Theo ông Huy, thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại truyền thống và điện tử. Đặc biệt, sẽ có thêm nhiều giải pháp mới về công nghệ để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Tổng cục cũng sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho lực lượng QLTT các địa phương có kỹ năng, kiến thức cần thiết để phát hiện đơn vị bán hàng vi phạm.
Cấm phát sóng và báo cáo cơ quan chức năng
Về giải pháp kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, đại diện sàn Shopee cho biết khi đăng bán sản phẩm hoặc livestream trên Shopee Live, người bán có trách nhiệm bảo đảm hàng hóa và nội dung truyền tải qua livestream tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và chính sách của sàn. Ngoài ra, Shopee còn áp dụng hệ thống kiểm duyệt tự động và đội ngũ nhân viên chuyên trách thường xuyên rà soát, kiểm tra tính hợp lệ của các nội dung/sản phẩm trên Shopee Live, nhanh chóng loại bỏ những nội dung/sản phẩm không phù hợp. Shopee cũng áp dụng các biện pháp xử lý nhà bán hàng vi phạm các quy định trên Shopee Live.
"Tùy mức độ vi phạm, chúng tôi sẽ có các mức xử lý khác nhau - từ cảnh cáo, hạn chế hiển thị livestream trên trang Shopee Live cho đến ngừng phát sóng live, khóa các tính năng hỗ trợ cho livestream. Trong trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng, người bán sẽ bị cấm phát sóng trực tiếp và tính năng livestream sẽ bị khóa vĩnh viễn. Thậm chí, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Công ty cũng thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm/nội dung vi phạm trên Shopee nói chung và Shopee Live nói riêng, cho phép người dùng báo cáo các trường hợp vi phạm đến Shopee để công ty có biện pháp xử lý theo quy định" - Shopee thông tin.
Bình luận (0)