Đó là yêu cầu trong dự thảo quy định việc sử dụng mô tô, xe máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa, vừa được UBND TP Hà Nội đưa ra lấy ý kiến người dân.
Theo dự thảo, người điều khiển các phương tiện trên để chở khách (còn gọi là xe ôm) hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận, đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ hoạt động vận chuyển này sẽ do tổ chức, cá nhân tự in theo mẫu.
Dự thảo nêu rõ khi làm việc, ngoài giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe (điều khiển mô tô 2 bánh), giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực..., người chạy xe ôm hay chở hàng phải mang theo thẻ hoạt động vận chuyển.
Dự thảo quy định nêu trên - dự kiến có hiệu lực ngay trong năm 2024 nếu được ký ban hành - đã gây ra những luồng ý kiến khác nhau trong dư luận, nhất là với người đang hành nghề chạy xe ôm, chở hàng hóa bởi bị tác động không nhỏ.
Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 7 triệu mô tô, xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu xe các loại từ các địa phương. Dù chưa có thống kê chính thức song số người hành nghề chở khách và hàng hóa bằng xe máy tại Hà Nội rất lớn. Bên cạnh đó là sự góp mặt của tài xế các hãng xe ôm, giao hàng công nghệ như Grab, Xanh, Be, GHN (Giao hàng nhanh), Giao hàng tiết kiệm, Ahamove... cùng lực lượng ship đồ ăn GrabFood, ShopeeFood, Gofood, beFood...
Nhiều người chưa rõ dự thảo quy định "hành nghề xe ôm phải có thẻ" nhằm mục đích gì. Nếu để quản lý về kinh doanh hay an toàn giao thông thì việc cấp thẻ phải có tiêu chí rõ ràng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn giao thông. Trong khi đó, theo dự thảo, người hành nghề phải đến phường, xã đăng ký để được cấp thẻ; thẻ tự in không có tác dụng..., nên có nguy cơ "đẻ" ra thêm một thủ tục hành chính.
Đây không phải là lần đầu tiên TP Hà Nội đưa ra đề xuất cấp thẻ hành nghề đối với người chạy xe ôm, chở hàng. Cuối năm 2019, Sở Giao thông Vận tải từng xây dựng dự thảo tương tự, quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe máy, mô tô 2 bánh... để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.
Cơ quan quản lý khi đó lý giải việc đề ra quy định này nhằm giúp tạo nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại cho người dân thủ đô; nâng cao chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải bằng xe máy theo hướng an toàn, giảm tai nạn, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, dự thảo sau đó không được thông qua.
Nếu không có căn cứ khoa học và thực tiễn rõ ràng, dự thảo quy định hiện nay chắc hẳn cũng không thuyết phục như dự thảo đưa ra cách đây 5 năm.
Bình luận (0)