Cùng ngày, một câu chuyện rất xúc động đã diễn ra. Bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM bay ra Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Khi trở về, "hành lý" của ông là trái tim của một bệnh nhân vừa qua đời sau tai nạn giao thông. Trái tim này sẽ được ghép cho một bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch tại TP HCM. Gan, thận… của người bị tai nạn cũng được hiến tặng những người khác đang chống chọi giữa lằn ranh sinh tử. Các bác sĩ phải vất vả chạy đua với thời gian để nhanh chóng tiếp nối sự sống cho các bệnh nhân. Tinh thần phục vụ ấy quá lớn lao, khó thể đong đếm được.
Những câu chuyện trái ngược như trên vẫn diễn ra trong ngành y và trở nên mâu thuẫn về mặt đạo đức hành nghề. Nghề y là một nghề đặc biệt, song vận hành, thực hiện công việc đặc thù ấy là những con người bình thường như bao người khác nên họ cũng mang đủ hỉ nộ ái ố của đời thường. Có người làm ảnh hưởng nghề y, song cũng có hàng vạn y - bác sĩ quên mình phục vụ bệnh nhân theo đúng nghĩa của lời thề Hippocrates.
Số lượng y - bác sĩ ở nước ta còn quá ít nếu so với dân số cả trăm triệu người. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, tỉ lệ bác sĩ trên 10.000 dân của Việt Nam là 12,5; trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 22, Mỹ là 26, Úc là 38…
Hệ thống y tế của chúng ta cũng luôn trong tình trạng quá tải; trang thiết bị của các bệnh viện ở nhiều địa phương còn thiếu và y - bác sĩ luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng. Trong khi đó, thu nhập của phần đông y - bác sĩ còn thấp; ngoài giờ phục vụ bệnh nhân ở bệnh viện, họ phải làm thêm ở phòng mạch tư và nhiều nghề khác để chăm lo cho gia đình. Nghịch lý này đã và đang diễn ra, khó thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Chấn chỉnh y đức là việc cần làm thường xuyên để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Song, công tác này không thể làm đơn lẻ mà phải được đặt trong sự cải tiến toàn diện của ngành y và các ban, ngành liên quan.
Trước hết, cần nâng được thu nhập của đội ngũ hành nghề y để họ yên tâm tập trung cho công việc, toàn tâm toàn ý chăm sóc bệnh nhân. Hệ thống cơ sở vật chất cần được nhanh chóng hoàn thiện; nhân lực y tế cần được tăng cường đào tạo để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện vốn tồn tại nhiều năm qua. Công tác quản lý nhà nước cũng cần cải thiện để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế. Về lâu dài, cần có chính sách đào tạo, khuyến khích và thu hút y - bác sĩ để phát triển hệ thống y tế cơ sở.
Ngành y tế không chỉ lo mỗi việc chữa bệnh. Ngành y tế phát triển còn phải làm tốt được công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe toàn dân, thậm chí phải cải thiện được thể chất người dân qua từng thế hệ. Đây luôn là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả các quốc gia phát triển và Việt Nam cũng không thể ngoại lệ.
Bình luận (0)