Bà Dziễm Chinh, Chủ tịch CTWS Group (Mỹ) - DN có hơn 20 năm nhập khẩu, phân phối các sản phẩm Việt Nam và châu Á tại Mỹ - cho biết:
Thứ nhất, để xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ, DN cần đáp ứng các thủ tục về pháp lý, chứng nhận FDA (Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ). Nếu nhà máy của bạn đủ tiêu chuẩn, hãy tự nộp hồ sơ lên FDA để tiết kiệm chi phí. Nếu không rành quy trình hoặc không giỏi tiếng Anh, bạn có thể thuê dịch vụ làm hộ, chi phí khoảng 400 USD. Nếu DN chưa đủ tiêu chuẩn thì cần nâng cấp để đạt chuẩn trước khi nghĩ đến việc xuất khẩu.
Thứ hai, về vận chuyển, các start-up chưa có kinh nghiệm nên chọn phương thức FOB (Free on Board) và báo giá theo phương thức này. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ chịu trách nhiệm đến khi hàng được giao lên tàu. Phía nhập khẩu tại Mỹ sẽ lo toàn bộ các khâu còn lại.
Thứ ba, nên chọn đối tác là nhà phân phối có nhiều năm kinh nghiệm, có hệ thống kho bãi và xe tải để vận chuyển hàng hóa xuyên bang tại Mỹ. Tuyệt đối không ký hợp đồng thông qua "cò", vì giá sản phẩm sẽ bị đội lên cao do phí trung gian khiến khó cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ mất thị trường.
Thứ tư, hãy tìm hiểu kỹ thông tin thông qua đối tác từ các kênh chính thống. Đừng vội quyết định hợp tác mà chỉ dựa theo hồ sơ Facebook hoành tráng. Hãy nhớ rằng thà chưa xuất hiện thương hiệu trên thị trường còn hơn để thương hiệu bị "gãy", vì một khi đã "gãy" thì rất khó khôi phục.
Theo bà Dziễm Chinh, nhiều DN khởi nghiệp quá tự tin với sản phẩm của mình, cho rằng sản phẩm ấy đã tốt nên không cải tiến theo các góp ý. Điều này có nghĩa DN đang bán cái mình có chứ chưa phải thứ thị trường cần.
Hơn nữa, nhiều DN chỉ nghĩ đến việc bán sản phẩm cho cộng đồng người Việt tại Mỹ - thị trường hơn 2,2 triệu người - mà chưa quan tâm đến thị hiếu tiêu dùng của hơn 330 triệu người dân ở Mỹ nên sản lượng xuất khẩu chưa nhiều.
Bình luận (0)