Chiều 27-4, Báo Người Lao Động tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Văn phòng đại diện (VPĐD) Báo Người Lao Động khu vực ĐBSCL (1.5.1998 - 1.5.2023) tại khách sạn Mường Thanh - TP Cần Thơ với sự tham dự của ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện sở, ban, ngành các tỉnh, thành ĐBSCL.
Buổi lễ kỷ niệm diễn ra trong không khí ấm áp, ngoài các cán bộ, nhân viên, phóng viên của văn phòng còn có nguyên lãnh đạo văn phòng, nguyên phóng viên và các cộng tác viên.
Nhịp cầu kết nối
Cách đây 25 năm, vào ngày 1-5-1998, VPĐD Báo Người Lao Động tại Cần Thơ, nay là VPĐD Báo Người Lao Động khu vực ĐBSCL, được thành lập. Những ngày đầu đi vào hoạt động, nhân sự văn phòng vỏn vẹn chỉ 3 người. Nơi làm việc của văn phòng chỉ là căn phòng nhỏ, diện tích khoảng 30 m2 trong khuôn viên trụ sở LĐLĐ tỉnh Cần Thơ - nay là LĐLĐ TP Cần Thơ.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nói về quá trình hình thành, phát triển VPĐD Báo Người Lao Động tại ĐBSCL
Buổi lễ diễn ra trong không khí ấm áp
Ngày 1-10-2003 đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi Báo Người Lao Động tổ chức lễ khởi công xây dựng trụ sở VPĐD tại số 97 Trần Văn Hoài. Đây cũng là trụ sở VPĐD đầu tiên của các cơ quan báo chí được khởi công ở khu "làng báo" đường Trần Văn Hoài.
Ngày 18-7-2020, Báo Người Lao Động mở thêm Văn phòng liên lạc tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), giao VPĐD khu vực ĐBSCL quản lý, điều hành.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao bảng tượng trưng và cờ Tổ quốc từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" cho các tỉnh, thành ĐBSCL
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, khẳng định: "Dù đã trải qua nhiều biến cố, gặp phải không ít cam go, có lúc đối diện với bao khó khăn tưởng như không thể vượt qua nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng ủy - Ban Biên tập và tập thể cơ quan, sự nỗ lực của đội ngũ nhân sự công tác tại văn phòng qua các thời kỳ, đặc biệt là sự đồng hành, hợp tác của các địa phương, doanh nghiệp, đồng nghiệp trên địa bàn ĐBSCL, VPĐD đã vượt qua khó khăn, thách thức và hoạt động ổn định, lập được thành tích đáng khích lệ ở nhiều lĩnh vực công tác".
Ban Biên tập Báo Người Lao Động khen thưởng cho các phóng viên, nhân viên, cộng tác viên VPĐD khu vực ĐBSCL
Một trong những thành công lớn của Văn phòng - cũng là chủ trương, đường lối của Ban Biên tập - đó chính là làm nhịp cầu kết nối tờ báo hiệu quả hơn, thực chất hơn với hầu hết 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Nhờ đó xây dựng vị thế vững vàng hơn, tiếng nói quan trọng hơn cho Báo Người Lao Động nói chung và VPĐD ĐBSCL nói riêng tại khu vực này.
Những năm gần đây, với phương châm hoạt động "Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn", bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của một cơ quan báo chí thuộc Thành ủy TP HCM, Báo Người Lao Động đã không ngừng đổi mới sáng tạo trong hoạt động nội dung và công tác sau mặt báo.
Báo đã liên tiếp khởi xướng và triển khai thực hiện nhiều chương trình lớn, như: "Trái tim Miền Trung", "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch", "Tình thương cho em", "Mai Vàng tri ân", "Tôn vinh cà phê Việt"; cùng hàng loạt hội thảo, tọa đàm, cuộc thi viết.
Đại diện UBND các tỉnh tặng bằng khen cho VPĐD và các cá nhân của văn phòng
Đặc biệt, Báo Người Lao Động đã phát động Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (nay chuyển sang giai đoạn 2 với tên gọi Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" được nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý đảm nhiệm vai trò Chủ tịch danh dự chương trình này). Đến nay, Báo Người Lao Động đã tổ chức 246 sự kiện trên cả nước, trao và ký kết trao hơn 1,7 triệu lá cờ Tổ quốc đến đồng bào các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Tất cả những chương trình mới này, cùng với một số chương trình đã có truyền thống hàng chục năm như "Giải Mai Vàng", "Đưa trường học đến thí sinh"… đều chung mục đích: vì hòa bình và chủ quyền của quốc gia, dân tộc; vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc, no ấm cho người dân; đồng hành với sự vươn tới của doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt; chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn.
Cùng với đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Báo Người Lao Động đã tiếp nhận và quản lý chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" từ ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, và vận hành hiệu quả. Chương trình đã trao 1.801 suất học bổng và 4.235 suất hỗ trợ, tổng trị giá hơn 7,5 tỉ đồng và trao tặng 670 xe đạp cho học sinh - sinh viên khó khăn, hiếu học tại rất nhiều địa phương.
Lãnh đạo các địa phương tặng tranh lưu niệm cho Ban Biên tập Báo Người Lao Động
Hầu hết những chương trình ý nghĩa nói trên đều có triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Hàng chục ngàn người dân, công nhân - lao động, sinh viên - học sinh và doanh nghiệp đã được thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần từ các chương trình.
Ông Tô Đình Tuân cũng nhấn mạnh thời gian tới, ngoài trách nhiệm thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, đầu tư phát triển, điển hình người tốt - việc tốt, chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực tại ĐBSCL, Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình sau mặt báo trên địa bàn này nhằm chung vai sát cánh với các địa phương đất Chín Rồng trên hành trình phát triển.
"Với sự nỗ lực không ngừng, những năm gần đây, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới, Báo Người Lao Động vẫn vững vàng vị thế và liên tục chạm tới những cột mốc phát triển đáng tự hào. Trong thành công chung đó có sự đóng góp tích cực của tập thể VPĐD khu vực ĐBSCL; bên cạnh đó là sự ủng hộ, đồng hành của các địa phương trong khu vực"- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhận định.
Đồng thời, ông Tô Đình Tuân kỳ vọng VPĐD khu vực ĐBSCL và Văn phòng liên lạc Phú Quốc sẽ có sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của cả tập thể.
Ra mắt chuyên trang "Đồng bằng kết nối"
Để ghi nhận sự đóng góp của tập thể VPĐD, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã có quyết định khen thưởng đối với cán bộ, phóng viên, nhân viên của văn phòng cùng lực lượng CTV. Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành: TP Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau đã trao tặng bằng khen cho tập thể VPĐD Báo Người Lao Động tại ĐBSCL và các cá nhân của văn phòng.
Các đại biểu lên sân khấu để thực hiện nghi thức tượng trưng ra mắt chuyên trang “Đồng bằng kết nối”
Nhân dịp lễ kỷ niệm, Báo Người Lao Động cũng trao tặng 90.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" đến cán bộ, chiến sĩ và người dân 9 tỉnh, thành ĐBSCL.
Đồng thời, Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã trao bằng chứng nhận và số kinh phí 20 triệu đồng từ chương trình "Mai Vàng tri ân" cho Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân (sinh năm 1940). GS Võ Tòng Xuân là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông được phong Giáo sư Nông học (1980), và được Nhà nước phong tặng 2 danh hiệu cao quý là "Anh Hùng Lao Động" và "Nhà Giáo Nhân Dân". Hiện nay, GS-TS Võ Tòng Xuân là Hiệu trưởng danh dự của Trường ĐH Nam Cần Thơ.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á trao hoa và tri ân GS-TS Võ Tòng Xuân
Khu vực ĐBSCL có một vị thế rất quan trọng, là một khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước. Việc đưa tin kịp thời, cũng như tăng cường hàm lượng thông tin về khu vực này cũng là điều mà Ban Biên tập Báo Người Lao Động rất quan tâm. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập VPĐD Báo Người Lao Động tại ĐBSCL, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã quyết định ra mắt chuyên trang "Đồng bằng kết nối" trên báo in và báo điện tử.
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết thời gian qua Báo Người Lao Động nói chung và VPĐD của báo tại ĐBSCL nói riêng là đơn vị có nhiều hoạt động liên kết, phối hợp với tỉnh Bạc Liêu hiệu quả.
Bà Ái Nam nhận xét: "Báo đã giúp cho tỉnh tuyên truyền, quảng bá về đất nước và con người Bạc Liêu; về tiềm năng lợi thế góp phần cho công tác thu hút đầu tư, thu hút du lịch… Đồng thời, Báo Người Lao Động còn kịp thời phản ánh những khó khăn, bức xúc trong sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp; góp ý những hạn chế, yếu kém, bất cập trong quá trình điều hành, chỉ đạo của các cấp, các ngành để địa phương kịp thời chấn chỉnh".
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu mong rằng thời gian tới địa phương sẽ nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, liên kết từ Báo Người Lao Động chặt chẽ và hiệu quả cao hơn.
Bình luận (0)