Ngày 23-8, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực tại TP HCM.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Sở LĐTB -XH) TP HCM công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật là phân luồng chưa hiệu quả, xã hội còn nặng bằng cấp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng đào tạo nghề chưa cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu. "Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào?" – ông Trương Lâm Danh hỏi.
Toàn cảnh phiên giải trình
Ngoài ra, thông tin giáo dục nghề nghiệp đến với học sinh, xã hội rất hạn chế, giáo viên cũng chưa định hướng cho học sinh theo học nghề, các trường cao đẳng, trung cấp rất khó khăn trong việc tuyển sinh, chưa có chính sách chung từ cơ quan quản lý nhà nước…Ông Danh đặt vấn đề thông tin như vậy có đúng thực tế hay không? Nếu đúng, giải pháp để giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng TP có nhiều cơ sở đào tạo nghề nhưng khi vào làm việc doanh nghiệp phải đào tạo lại. Đặc biệt, nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá, giỏi nhưng tìm việc khó khăn, hoặc có tìm được việc làm nhưng không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nên cũng bị sa thải vì thiếu kinh nghiệm thực tế, gây lãng phí cho xã hội. Đại biểu Tố Trâm cho rằng nhu cầu lao động vừa thiếu vừa thừa, đạo tạo rất nhiều nhưng không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. "Chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã thực sự tốt chưa?" – đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu tại phiên giải trình
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở LĐTB -XH TP HCM Lê Minh Tấn thừa nhận việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn do mới nhận bàn giao hơn 1 năm nay. Việc trang bị cơ sở vật chất chưa tốt; về chuẩn hóa đội ngũ giáo viên vẫn chưa đạt. Việc phân luồng cho học sinh cơ sở chưa mạnh, chưa đồng bộ. Cơ sở máy móc thiết thị chưa được đổi mới; xã hội hiện này còn nặng về bằng cấp…
Ông Tấn thông tin sắp tới sở sẽ làm tham mưu cho TP sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề hoạt động không hiệu quả, sáp nhập các trường cấp cao đẳng…
Về đào tạo lại cho lao động, ông Tấn nhận xét lao động cơ bản có việc làm nhưng chưa bền vững; sắp tới, sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thành lập hội đồng trường; TP đang thí điểm đào tạo kép trong 13 trường…
Riêng về chất lượng đào tạo nghề, ông Tấn xác định trong giai đoạn 2016 – 2020 TP sẽ đào tạo việc làm trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP đạt từ 85% - 90%... Dù vậy, một số đại biểu vẫn băn khoăn về chỉ tiêu này vì hiện các trường nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Bình luận (0)