Chiều nay 4-9, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 (báo cáo) tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP), Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Sơn đặt vấn đề vừa qua, hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã và đang trong quá trình xử lý được xã hội đánh giá cao. Các đối tượng trong các vụ án này "đều là quan chức" ở những cấp khác nhau, từ trung ương đến địa phương, ở nhiều loại hình cơ quan khác nhau.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn - Ảnh: Hoàng Hải
Tuy nhiên, theo ông Sơn, điều quan trọng là từ các vụ này này rút ra được bài học, kinh nghiệm gì? Các vị giữ vai trò lãnh đạo có sai phạm và bị khởi tố điều tra thì sai phạm của họ điểm chung nhất là gì, nguyên nhân từ đâu? Cần rút ra để chỉ ra khâu yếu trong điều hành?
Từ đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn kiến nghị cần làm rõ mối liên hệ giữa 2 cấp trung ương và địa phương trong điều hành để có những tác động dẫn đến các sai phạm.
"Tôi nghĩ rằng không thể tự nhiên mà những vị ở các địa phương dám sai phạm như vậy. Thậm chí một số vị quan chức cao cấp đã phát hành ra một loạt các văn bản đóng dấu mật nói vì lý do an ninh quốc phòng rồi gửi xuống địa phương và yêu cầu phải thực hiện. Từ bí thư thành ủy cho đến các lãnh đạo địa phương không đưa văn bản đó ra để công khai. Rồi chỗ này làm được như thế, chỗ khác cũng làm"- ông Sơn gay gắt nói và đặt vấn đề "phải chăng trong một thời kì kéo dài việc quản lý điều hành xã hội có vấn đề, trong đó nổi lên nạn lạm quyền".
Điều đáng nói, theo ông Sơn, có những văn bản đóng dấu mật gửi xuống địa phương chỉ đạo là trái pháp luật, thậm chí chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng không biết về việc đó mà người ta bắt các địa phương làm.
"Như câu chuyện Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) mà báo chí thông tin là họ đã phê duyệt bán dự án khi Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến. Tôi không tin rằng việc MobiFone bỏ ra 8.900 tỉ đồng mua AVG như thế mà không ai biết gì"- ông Sơn băn khoăn và đề nghị cần phải làm rõ.
Cũng vụ việc MobiFone mua cổ phần AVG, Ủy viên Thường trực UBTP Mai Thị Phương Hoa bày tỏ quan tâm về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Bà Hoa dẫn lại báo cáo của Chính phủ nêu trong 37 vụ án tham nhũng lớn đến giai đoạn thi hành án chỉ thu hồi được hơn 13% và đề nghị cần phải phân tích kỹ vì sao lại chỉ có hơn 13%?
Nhìn nhận vụ AVG đã được các cơ quan chức năng tích cực, quyết liệt để đối tượng khai nhận đã nhận hối lộ số tiền 3 triệu USD. Tuy nhiên, bà Hoa băn khoăn việc khai nhận là một chuyện còn thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ mà đây mới là mục đích chính.
"Hiện bị can Nguyễn Bắc Son nộp lại 500 triệu đồng, Lê Nam Trà nộp lại 2,5 triệu USD... Nhưng số tiền 3 triệu USD của bị can Nguyễn Bắc Son chưa thấy phương hướng thu hồi vì con gái bảo không nhận. Rõ ràng việc thu hồi tài sản từ tham nhũng vẫn là vấn đề nan giải"- bà Hoa lo lắng.
Cũng vấn đề này, báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Theo đó, công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án...
"Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao. Cụ thể trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6-2019, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thi hành xong 9.454 tỉ đồng/68.856 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu"- báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Bình luận (0)