Sáng 18-8, Ban Đô thị HĐND TPHCM đã khảo sát tình hình cung cấp nước sạch cho người dân huyện Củ Chi theo Nghị quyết số 35 năm 2015 của HĐND TP. Theo UBND huyện Củ Chi, toàn huyện vẫn còn 52.053/103.479 hộ dân vẫn chưa được cấp nước sạch. Để cung cấp nước sạch, huyện cùng với Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn thực hiện nhiều phương thức như phát triển mạng lưới cấp nước, lắp đồng hồ tổng, nâng cấp các trạm cấp nước và lắp các thiết bị lọc nước hộ gia đình. Tuy nhiên, tính đến ngày 15-8 mới đạt 8,46% kế hoạch đề ra.
Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM kiểm tra một trạm cấp nước ở huyện Củ Chi
Được UBND TP giao nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho người dân huyện Củ Chi, ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, cho biết trong năm 2016 sẽ mở rộng thêm 453 km mạng lưới cấp nước để gắn đồng hồ nước thêm cho 43.397 hộ dân và lắp đồng hồ tổng cho 6.777 hộ. Ngoài ra, công ty cũng lắp đặt các bồn nước dọc các tuyến đường lớn để người dân đến lấy nước. Tuy nhiên, ông Hoành cũng cho biết hiệu quả của đồng hồ tổng và bồn nước không cao do người dân chưa có thói quen sử dụng nước sạch.
Người dân huyện Củ Chi cho biết giá nước sạch vẫn còn cao so với thu nhập hàng ngày nên chỉ sử dụng hạn chế
Trước đó, công ty này lắp đường ống cho 20 hộ dân ở ấp Tây, xã Tân An Hội để người dân lấy nước sử dụng miễn phí nhưng mỗi ngày lượng nước tiêu thụ chỉ từ 2-3 m3 nước. Bà Lâm Thị Phía, ngụ tổ 7, ấp Tây nói nhà bà cách đường ống khoảng 20m nhưng công ty không gắn đồng hồ nước. Mỗi ngày, bà Phía muốn sử dụng nước sạch thì lấy thùng ra xách về nhưng cũng ít vì sức yếu và đường xa.
Nhiều hộ dân ở đường Cây Trôm – Mỹ Khánh, ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp còn chê nước sạch khi công ty cấp nước đã gắn vào tận nhà. Theo chính sách ưu đãi, người dân sử dụng 5 m3 nước đầu tiên sẽ không phải trả tiền nên nhiều hộ dùng xong 5 m3 thì không dùng nữa. Một số hộ khác thì dùng cầm chừng cho mục đích nấu ăn còn mọi sinh hoạt như tắm giặt đều sử dụng nước giếng khoan.
Sau khi gắn đồng hồ nước, người dân không sử dụng mà khóa lại nên rất lãng phí
Ông Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết sau khi lấy mẫu kiểm tra nguồn nước tại các trạm cấp nước ở huyện Củ Chi đều nhiều lần không đạt. Cụ thể, Trạm cấp nước Tây Bắc 3 mẫu không đạt, trạm cấp nước Bình Mỹ có 5 mẫu không đạt theo tiêu chuẩn nước sạch ăn uống.
Trong số 9 trạm cấp nước có thể tích dưới 1.000 m3 thì cũng có nhiều trạm không đạt tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt. Ngay cả các bồn nước cũng có 5/10 mẫu không đạt còn nước giếng thì 8/14 mẫu không đạt chuẩn nước sạch. Các mẫu đa số không đạt chuẩn về chỉ số pH và clo dư trong nước. Nếu sử dụng nguồn nước này, người dân có thể bị vi khuẩn xâm nhiễm, các bệnh về da liễu, niêm mạc,…
Bình luận (0)