Sáng 4-1, tại TP HCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức hội nghị lần thứ 13 Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam khóa VIII. Tại hội nghị, vấn đề nóng là chống tham nhũng, chống như thế nào được các đại biểu đưa ra bàn luận thẳng thẳn.
Báo cáo tốt nhưng sai phạm ngàn tỉ
Ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, trăn trở: "Năm nào tổng kết cũng báo cáo thành tích đã chặn đứng, đẩy lùi mà sao tham nhũng vẫn tràn lan. Động đến tập đoàn nào cũng có chuyện sai phạm trăm tỉ, nghìn tỉ đồng nhưng lãnh đạo những tập đoàn gây thất thoát nghìn tỉ chưa thấy bị xử lý ra sao".
Ông Hà Văn Núi trăn trở: "Năm nào tổng kết cũng báo cáo thành tích đã chặn đứng, đẩy lùi mà sao tham nhũng vẫn tràn lan"
Ông Núi cho rằng đây là lỗi hệ thống, lỗi tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp, có sự việc xảy ra không ai chịu trách nhiệm. Do đó, ông Núi đề nghị MTTQ cùng tham gia bố trí, sắp xếp bộ máy cho tinh gọn.
Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của MTTQ Việt Nam nhận định hiện nay tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn rất nhức nhối. Theo ông Que, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí luôn là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của MTTQ.
Ông Lù Văn Que cho rằng muốn chống tham nhũng thành công phải dựa vào dân
"Công tác phòng chống tham nhũng làm sao phát động được toàn dân tham gia. Chúng ta có vai trò như thế nào để phát động được toàn dân tham gia. Chứ giờ chỉ "chúng ta" chống với nhau thì không ăn thua, mà phải dựa vào dân" – ông Que bày tỏ.
Đừng quan cách
Đồng quan điểm, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đã dành gần nửa giờ để nói về công tác xây dựng, chống tham nhũng trong Đảng.
Ông Duyệt kể trong xây dựng Đảng cán bộ lo lắng về nhiều vấn đề nhưng năm nay tích cực hơn năm ngoái, hơn mấy năm trước. Khi có quyết sách đúng của Đảng sẽ tạo nên thế mới. Để làm được điều đó, ông Duyệt cho rằng khâu tuyển chọn cán bộ quyết định sự thành công, cần phải mạnh dạn đưa người giỏi vào làm việc.
"Bác Hồ nhìn thấy cán bộ giỏi ở ngoài Đảng liền đưa vào bộ máy. Ông Nguyễn Văn Huyên 29 năm làm Bộ trưởng Giáo dục không phải là đảng viên. Không phải cứ đảng viên mới đào tạo được đâu. Cách suy nghĩ nếu cứ hạn hẹp như thời gian trước hoặc cứ dừng ở mức nhận thức như hiện nay, tôi chắc rằng chưa thể đưa đất nước đi lên" - ông Duyệt thẳng thắn.
Ông Duyệt phân tích tiếp: "Nguyên nhân của tham nhũng do quyền lực và do không thực hiện đúng lời Bác; không xây dựng chỉnh đốn một cách liên tục, mặt trận chưa phát huy được vai trò mà Đảng giao cho".
Ông Phạm Thế Duyệt: "Đừng quan cách quá. Đảng mà xa dân thì khổ lắm"
Ông đề nghị mặt trận thay mặt người dân giám sát phản biện, phải mạnh dạn chứ đừng chờ "cái gì đảm bảo" mới nói hay nghị quyết nói thế nào mặt trận nói thế. "Thấy nó lấy mấy chục hec-ta đất làm bừa bãi, việc gì phải chờ văn bản. Thấy cái văn bản sai trái phải tỏ thái độ phản biện, có gì đâu phải chờ" - ông Duyệt phê bình.
Đề cập đến những điều chưa làm được như chống tham nhũng, tiêu cực và bộ máy hành chính phình ra, ông Duyệt kể thời ông làm thường trực Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch mặt trận nhưng ông chỉ có 1 người giúp việc, bây giờ các lãnh đạo có 4-5 người, 2-3 xe, trợ lý nhiều.
Ông cũng băn khoăn đến thái độ làm việc của cán bộ hiện nay, đông nhưng không mạnh, nhiều mà vẫn ít, có nhưng cũng như không. "Lỗi của chúng ta, đừng đổ cho ai cả. Mặt trận phải mạnh dạn nói với Đảng như thế. Trên sửa thì dưới sửa ngay. Mặt trận có mấy chục tổ chức thành viên. Nếu tất cả có tiếng nói thì vô cùng tốt cho Đảng, hiểu được lòng dân là hiểu được việc nên làm. Cái gì chỉnh đốn được thì tiếp tục chỉnh đốn, giảm được cái gì thì giảm bớt đi. Đừng quan cách quá, Đảng mà xa dân thì khổ lắm, điều đó hết sức bất lợi" – ông Duyệt nêu quan điểm.
Bình luận (0)