Ngày 6-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Nhiều ĐBQH tập trung cho ý kiến vào 4 vấn đề lớn là: mở rộng phạm vi điều chỉnh; cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; kê khai tài sản thu nhập; xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mở rộng đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân - Ảnh: Thế Dũng
Mở rộng kê khai tài sản đối với sĩ quan quân đội và sĩ quan công an
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cho biết để khắc phục những hạn chế luật hiện hành, dự thảo luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.
Theo đó, người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho hay tiếp thu ý kiến của nhiều ĐB, đề nghị QH cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Đáng chú ý, dự thảo luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.
Một nội dung đáng chú ý của dự thảo luật là cơ quan kiểm soát tài sản.
Nhiều ĐBQH tán thành với phương án 2 của dự thảo luật là giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
UBTVQH nhìn nhận cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
ĐBQH Đinh Duy Vượt lo ngại không quy định chặt chẽ kiểm soát tài sản thì sẽ có tình trạng "hy sinh đời bố củng cố đời con"
Tài sản tẩu tán cho người thân...
Cho ý kiến dự thảo luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, ông Đinh Duy Vượt, phân tích nhìn nhận đối tượng kê khai tài sản thu nhập (Điều 35 dự thảo luật) là mấu chốt về kiểm soát tài sản, vì trước đây nhiều năm, năm nào chúng ta cũng kê khai nhưng không giải quyết được vấn đề gì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
ĐB Đinh Duy Vượt đồng ý với các nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và đề nghị luật sửa đổi phải quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ, chồng, con cái vị thành niên, cha mẹ, ông bà.
Ông Vượt cho rằng việc quá thu hẹp như vậy là chưa thực sự xoáy vào "tảng băng chìm", hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng và nhân dân sẽ vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình, phong trào diệt "giặc nội xâm" này. Theo ý kiến cử tri là phải mở rộng diện kê khai cha mẹ, con ruột, ông bà bởi các minh chứng từ thực tiễn làm cho dư luận "dậy sóng" suốt thời gian qua.
Làm rõ thêm đề xuất của mình, ĐB Đinh Duy Vượt cho biết thực tiễn hiện nay tại nhiều tỉnh, thành, nhân dân, cán bộ đều biết việc bố mẹ, ông bà của quan chức bỗng nhiên hoặc sau một thời gian ngắn đã thấy sở hữu nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp, nhiều tài sản hàng chục tỉ đồng, biệt phủ, xe sang...
"Thậm chí những dự án đất kim cương, đất vàng, biệt phủ, xe sang được cho là của các thái tử, phò mã, cậu ấm cô chiêu dù trẻ, còn rất trẻ nhưng vẫn tài sản "khủng" bất chấp dư luận, trơ trơ thách thức dư luận".
Cũng theo ông Vượt, qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản do tham nhũng mà có được tẩu tán cho bố mẹ, người thân đứng tên, như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… và nhiều vụ án khác.
"Vì tư tưởng "hy sinh đời bố củng cố đời con". Hay tài sản tặng cho chân dài thì chưa bị lộ. Đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân khiến mặc dù các ngành tư pháp đã rất quyết liệt nhưng tỉ lệ thu hồi tiền tham nhũng, thất thoát còn thấp, tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, từ dạng này qua dạng khác, biến hoá ẩn mình như ma trận, sân trước sân sau, doanh nghiệp này doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hoá, rửa tiền, lòng vòng…"- ông Vượt thẳng thắn.
Đặc biệt theo ông Vượt, đã là cán bộ công chức thì phải kê khai cũng là điều kiện để bổ nhiệm các vị trí, chức danh.
"Sẽ dễ dàng chỉ ra những vị trí, chức danh nào dễ dàng có nguy cơ tham nhũng và chúng ta có thể tập trung kiểm soát. Vì chỉ cán bộ có thực quyền thì mới tham nhũng được, mới có sân sau, "nuôi gà đẻ trứng vàng". Chứ nếu chúng ta dàn trải thì không thể đủ lực lượng và cũng thể đào tận gốc của tệ tham nhũng được"- ông Vượt hiến kế.
Tán đồng, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đề nghị về đối tượng phải kê khai tài sản là vấn đề nhiều cử tri, ĐB quan tâm và đây cũng là lỗ hổng trong Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
"Đối tượng kê khai tài sản lần đầu mà bỏ lọt, nói không biết tài sản của bố mẹ, con vị thành niên, anh chị… thì không phải là kẽ mà là cửa để chuyển tài sản tham nhũng. Như câu chuyện "hot girl" tuổi đời còn trẻ, gia đình nghèo mà bỗng nhiên tài sản rất giàu mà chẳng thể làm được gì"- ông Mãi Sỹ Diến nói.
Bình luận (0)