Tối 5-5, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết đến thời điểm này, số người nhập cảnh vào khoảng 150 ngàn người, trong đó nhập cảnh qua đường bộ khoảng 110 ngàn, nhập cảnh qua đường hàng không khoảng 40 ngàn người. Số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam rất đông này bao gồm các chuyên gia, người Việt Nam trở về.
Video clip Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, trả lời phóng viên
"Báo cáo từ Công an 39/63 tỉnh thành cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay, số vụ nhập cảnh trái phép là 199 vụ, trong đó có 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Bộ Công an đã xử lý, khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng"- ông Tô Ân Xô công bố.
Đề cập đến trách nhiệm ngăn chặn người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, ông Tô Ân Xô cho rằng trước hết thuộc về lực lượng bảo vệ biên giới. Tiếp đến là các đơn vị chức năng, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì người nhập cảnh trái pháp vào Việt Nam vi phạm chủ quyền của Việt Nam; mang mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh rất lớn; ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người Việt. Do vậy cần phải chăn chặn quyết liệt.
"Ngày 4-5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ra công lệnh về tổng rà soát, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc để phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như kiểm tra các nhà nghỉ, khách sạn, nơi lưu trú"- ông Xô nói và cho biết thêm lực lượng công an truy vết, sớm khởi tố và khởi tố kiên quyết đối với người nhập cảnh trái phép, người môi giới… Còn người nhập cảnh trái phép nếu không bị Covid-19 sẽ bị đưa trở lại nơi xuất phát. "Những nhà nghỉ không thực hiện đúng quy chế có thể rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp hình sự"- Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, thực tế hiện nay, việc khoá chặt biên giới gặp rất nhiều khó khăn. "Các cách thức hiện nay là đối tượng môi giới liên hệ qua mạng, đưa người sang tìm công ăn việc làm, lang thang rất nguy hiểm… Phải biết các lỗ hở, từ đó mới có thể bịt lại được"- ông Xô nói.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định tăng thời hạn cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày từ ngày hôm nay.
Ông Trần Văn Thuấn nêu nguyên tắc, Việt Nam chủ trương không cấm chuyên gia, nhà đầu tư nhưng trước hết đơn vị, tỉnh thành, bộ ngành đề xuất cho người nhập cảnh phải chứng minh được tính phù hợp của yêu cầu, việc đón người vào mang lại hiệu quả thực sự cho công việc. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác gồm đại diện 5 cơ quan: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải để xem xét, cân nhắc, tuỳ trường hợp mà quyết định cho chuyên gia vào để ngoài hiệu quả còn phải đảm bảo an toàn.
Về phương án "hộ chiếu vắc-xin", Thứ trưởng Bộ Y tế xác nhận đã có chỉ đạo về việc chuẩn bị hướng triển khai, áp dụng. Tuy nhiên, ông Thuấn cũng phân tích, đây là vấn đề vẫn đang được nghiên cứu, xem xét một cách dè dặt ở nhiều nước. Quan điểm chuyên môn được đưa ra, hộ chiếu vắc-xin chỉ nên được áp dụng ở những nước gần đạt mức miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% người dân đã được tiêm chủng. Cũng theo ông Thuấn, chưa có tài liệu, căn cứ nào chứng minh được tính hiệu quả của việc áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" vì đến nay vẫn chưa có loại vắc-xin nào có thể khẳng định hiệu quả 100%. Vì vậy, việc áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" sẽ được quyết định với quan điểm là xác định thời gian phù hợp, với nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn.
Về vấn đề nhập khẩu và sản xuất vắc-xin, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh quan điểm, cố gắng tiếp cận bằng mọi cách để có nguồn vắc-xin, cả trực tiếp và gián tiếp. Trong năm 2021 tới đầu 2022, dự kiến sẽ có một số nguồn như COVAX với 38 triệu liều, cơ bản đủ cho đối tượng ưu tiên. Ngoài ra, Việt Nam cũng đàm phán mua thêm 30 triệu liệu vắc-xin Astra Zeneca của Anh, cố gắng có thêm 31 triệu liều vắc xin Pfize, 2 triệu liều vắc-xin Sputnik V từ viện trợ khác của Nga.
"Việt Nam được chấp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin khác từ Nhật, Nga. Tới đây các lãnh đạo Bộ sẽ tới 2 nước này để đàm phán cụ thể. WHO và các đối tác cũng đồng ý bàn giao công nhận sản xuất vắc xin MRNA cho Việt Nam" – ông Thuấn chia sẻ.
Bình luận (0)