Có lẽ chỉ Báo Người Lao Động những năm 1990 mới có tên phòng, ban "không giống ai" như Phòng Địa phương. Cái tên đã thể hiện rõ định hướng của Ban Biên tập: Địa phương hóa thông tin với phương thức định vị thị trường khu vực.
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt
Hai "sếp" trưởng, phó Phòng Địa phương lúc ấy đều là nữ, lĩnh vực đang làm là quốc tế (Thu Vân) và văn hóa - văn nghệ (Ngọc Cúc) - không dính dáng gì tới "địa phương"; còn "lính" toàn mới ra trường, trẻ măng. Ấy vậy mà nhiệm vụ được giao là "bao sân" tất cả quận - huyện TP HCM với 3 trang chuyên mỗi tuần có tên Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định.
Khi ấy, không ít người đã nghi ngại: "Không khéo các trang này biến thành bản tin quận - huyện". Mà có lúc nó vụn vặt thật. Nhiều phóng viên (PV) lôi về cả đống tin quận - huyện, phường - xã dài như sớ táo quân, có bữa toàn chuyện hiếu hỉ, hội họp… Nhưng trong mớ thông tin đó, nhiều khi chúng tôi nhặt ra không ít "ngọc trong đá", phát hiện nhiều đề tài thú vị bất ngờ mà nếu không tiếp cận địa bàn sâu sát thì không cách gì có được.
PV Địa phương còn gầy dựng được một lực lượng thông tín viên hùng hậu. Họ có thể là cô nhân viên văn phòng, anh bảo vệ ủy ban, bác xích lô, xe ôm… Đó là những người không màng đến nhuận bút - lúc đó rẻ bèo, chỉ cần sáng ra cầm tờ báo thấy tin mình được đăng là khoái rồi.
Một vụ sập nhà lúc nửa đêm ở tuốt quận 12, chưa báo nào biết, vậy mà sáng ra Người Lao Động tường thuật chi tiết - lúc này báo điện tử chưa phát triển. Từ lời kể của thông tín viên, mấy con cá heo lần đầu tiên đến Việt Nam vướng biết bao thủ tục tưởng như bó tay, cuối cùng nhờ báo đăng tải và đeo bám, chúng đã về được Nhà Văn hóa quận 5. Tôi còn nhớ chủ tịch UBND quận 5 lúc ấy chỉ gọi riêng Báo Người Lao Động cùng đi đón cá heo về. Khi các chú cá heo đã tung tăng dưới hồ, nhìn đồng hồ là… 3 giờ sáng nhưng mắt ai cũng rạng ngời vì quá vui.
Phòng Địa phương bắt đầu gặt hái thành quả sau thời gian lùng sục khắp thành phố từ phóng sự nhiều kỳ "Tôi đi ăn mày". Tất cả PV và trưởng, phó phòng đều "ra trận": Lên kế hoạch giả dạng ăn mày đủ các kiểu với đồ nghề hẳn hoi. Nhờ lăn lê bò toài khắp nơi, PV phát hiện thêm những kẻ ăn mày bóc lột trẻ em. Bạn đọc thương xót, phẫn nộ khi nhìn những đứa trẻ bị ngược đãi, hành hạ và còn cung cấp thêm nhiều "ổ" ăn xin trá hình. Rồi Ủy ban Chăm sóc bà mẹ và trẻ em lên tiếng, công an vào cuộc… Loạt phóng sự tạo được tiếng vang lớn trong làng báo, đáng mừng hơn là lượng phát hành Báo Người Lao Động tăng vọt.
Thừa thắng xông lên, "lính" Địa phương tiếp tục phóng sự "Làng hay đô thị?" - phản ánh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thu phí "bảo kê" của nhiều phường, quận; loạt bài "Những địa phương nghèo nhất TP"… Đề tài nào của Phòng Địa phương cũng thật vất vả, cực nhọc, cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt; thậm chí nguy hiểm tính mạng (liên quan đến mua bán ma túy, giang hồ, bảo kê…) nhưng đổi lại, chúng tôi có được những kinh nghiệm làm báo quý giá.
Ngoài những dịp như họp giao ban, nhận giải báo chí (ảnh), hiếm khi Ban Thời sự có mặt đầy đủ vì các phóng viên đã tỏa đi các địa bàn, lĩnh vực phụ trách Ảnh: MINH ANH
"Bao sân" luôn thời sự
Sau vài năm "cày xới" ở các quận - huyện, phường - xã, Phòng Địa phương (sau này đổi tên thành Ban Thời sự - Nội chính, Thời sự - Xã hội và nay là Thời sự) được Ban Biên tập quyết định giao nắm luôn nhiều sở - ngành và cả UBND TP HCM. Lĩnh vực nào cũng nóng, cũng phải chạy bở hơi tai. Cháy nổ, tai nạn, tệ nạn… khắp TP HCM, PV Địa phương đều phải biết, phải thông tin.
Khi Trung tâm Thương mại ITC (quận 1) xảy ra vụ cháy kinh hoàng vào tháng 10-2002, toàn Phòng Địa phương đều tham gia tác nghiệp: Người thì túc trực ở hiện trường, thường xuyên điện về cho trưởng, phó ban cập nhật diễn biến; người thì đi họp ở UBND TP HCM lúc 23 giờ đêm… Sáng sớm hôm sau, PV phải tìm mọi cách để tiếp cận những nơi đặt người tử nạn, tìm gặp thân nhân. Hai PV trực tiếp tác nghiệp đã lấy tiền nhuận bút mua hoa, trái cây đến trước ITC thắp nhang cho các nạn nhân vụ thảm họa. Chết chóc, tang thương, thống khổ là cảm xúc mà người cầm bút chúng tôi lúc nào cũng rưng rưng khi nhớ lại.
Như là mặc định, cứ mỗi lần Báo Người Lao Động tuyển PV hay có sinh viên báo chí các trường đến thực tập, y như rằng nơi đón nhận nhiều nhất là Phòng Địa phương - Ban Thời sự. Bởi lẽ, đây là chỗ dễ có việc để làm nhất, dù đầy gian nan, khó nhọc nhưng cũng là nơi thật sự trui rèn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhất.
Luôn vất vả, gian nan
Có lẽ nhờ những nhọc nhằn, gian khổ khi tác nghiệp ở Phòng Địa phương - Ban Thời sự mà nhiều PV trẻ đã trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm báo và trở thành những nhà báo giỏi nghề. Một số nhà báo xuất thân từ "lò" này hiện đảm nhận các vị trí chủ lực ở Báo Người Lao Động, như tổng và hai phó tổng thư ký tòa soạn. Số khác vì nhiều lý do đã đầu quân sang Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ TP HCM… và đa số đều trở thành những tên tuổi nổi bật của làng báo.
Ban Thời sự ngày nay có địa bàn mở rộng hơn nhiều - kiêm luôn lĩnh vực y tế, thêm các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… - so với Phòng Địa phương trước đây; nhân sự cũng nhiều hơn, tác nghiệp với đầy đủ phương tiện hiện đại hơn. Thế nhưng, trong thời buổi cạnh tranh thông tin khốc liệt như hiện nay, sự vất vả, gian nan chắc hẳn cũng không hề kém.
Điều đáng mừng là Ban Thời sự đã phát huy truyền thống "đặc sản" Phòng Địa phương rất xuất sắc. Ban Thời sự tiếp tục làm nên nhiều tác phẩm đoạt giải báo chí từ những cây bút trẻ, yêu nghề, chịu khó dấn thân, không ngại gian khổ như những "cựu binh" Địa phương năm nào.
Năm nào cũng đoạt giải báo chí
Từ năm 1997 đến nay, sau 23 năm, các PV từ Phòng Địa phương ngày xưa đến "đại ban" Thời sự bây giờ đã đoạt khoảng 35 giải báo chí. Có nghĩa là năm nào "lò" này cũng có tác phẩm đoạt giải báo chí, có năm đến 3-4 giải. Con số ấn tượng này là niềm tự hào của tất cả những ai từng là thành viên ở đây.
Bình luận (0)