Và ở đó, cán bộ, chiến sĩ Hải quân kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Cuối tháng 5-1989, khi ấy, tôi là đại úy, giảng viên của Khoa Chiến thuật - Trường Sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân), được giao nhiệm vụ làm đội trưởng, chỉ huy hơn 60 cán bộ, giảng viên và học viên của trường lên tàu vận tải của đoàn Hồng Hà, Tổng cục Hậu cần chuyển hàng chi viện cho đảo Cô Lin trong "Chiến dịch bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa năm 1989".
Trên hành trình từ Nha Trang đến gần khu vực Trường Sa, chúng tôi thường xuyên bị tàu chiến và tàu phục vụ của Trung Quốc ngăn cản và khiêu khích. Mặc dù vậy, tàu chúng tôi vẫn giữ nguyên hướng đi nên họ cũng không dám làm gì hơn.
![Chuyến đi đáng nhớ- Ảnh 1. Chuyến đi đáng nhớ- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/15/7-anh-chot-1739624197780828102637.jpg)
Tác giả (chào điều lệnh) cùng toàn thể sĩ quan trên tàu hộ vệ tên lửa HQ-12 Lý Thái Tổ thắp hương, thả vòng hoa và lễ vật khi đi qua vùng biển Gạc Ma vào tháng 11-2014. Ảnh: THANH ĐẶNG
Tàu đến đảo Đá Lớn trước và thả neo vào khoảng 11 giờ trưa. Theo kế hoạch, tàu sẽ thả neo tại đảo Đá Lớn đến 5 giờ sáng hôm sau mới nhổ neo đi đảo Cô Lin. Sau khi ăn trưa, mọi người đi ngủ, chỉ còn một chiến sĩ của tàu làm nhiệm vụ trực canh. Tôi đứng trên boong tàu nhìn vào đảo và thầm nghĩ: "Mình ra đến đây mà không vào thăm được anh em trong đảo thì vô cùng áy náy". Thế là tôi lẳng lặng mặc áo, đi đôi giày vải cao cổ và đội chiếc mũ tai bèo rồi nhảy xuống biển. Tôi biết mình đi như thế này là vô kỷ luật. Xét về mặt tổ chức chỉ huy, tôi là người chỉ huy cao nhất của đội vận tải. Nhưng khi đi trên tàu, tôi phải phục tùng sự chỉ huy của thuyền trưởng. Nếu muốn vào đảo, tôi phải báo cáo và phải được sự đồng ý của thuyền trưởng, vì đây là đảo chúng tôi không có nhiệm vụ vận chuyển hàng. Nhưng tôi cũng biết chắc rằng nếu báo với thuyền trưởng thì anh sẽ không đồng ý để tôi đi vì không an toàn. Nếu không may có giông bất ngờ nổi lên, tôi có thể bị cuốn trôi hoặc tàu buộc phải nhổ neo cơ động thì tôi sẽ bị bỏ lại trên đảo. Hiện tượng giông bất ngờ ở Trường Sa là chuyện xảy ra thường xuyên.
Một mình tôi lặng lẽ bơi giữa buổi trưa nắng gắt. Từ tàu vào đảo, tôi phải bơi chừng hơn 500 m mới đến chân đảo, sau đó lội bộ tiếp trên mặt đảo mấp mô đầy san hô và hà sắc lẹm. Nếu đi chân không thì chỉ vài ba mét là nát hết bàn chân. Chính vì vậy mà tôi phải đi giày cao cổ có đế cao su dày dù rất khó bơi. Khi lội bộ, có chỗ nước chỉ cao hơn mắt cá chân nhưng có chỗ lại phải bơi tiếp vì nước sâu ngang ngực, thậm chí quá đầu. Cứ vừa lội vừa bơi như vậy khoảng 600 - 700 m nữa mới tới được chỗ chiếc lô cốt 4 tầng của đảo. Thấy tôi vào, anh em trên đảo rất mừng. Quân số của đảo chỉ có 12 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 2 sĩ quan là đảo trưởng và chính trị viên.
![Chuyến đi đáng nhớ- Ảnh 2. Chuyến đi đáng nhớ- Ảnh 2.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/15/7-anh-1-1739624197715857050572.jpg)
Tác giả trong lần từ tàu vào đảo Núi Le bàn kế hoạch chuyển hàng vào đảo tháng 7-1989, sau khi hoàn thành chuyến đi Cô Lin
Ngồi nói chuyện một chốc, đảo trưởng đưa tôi đi thăm các tầng của lô cốt. Khi xuống tầng dưới cùng chứa nước ngọt, thấy một chiến sĩ đang múc nước để đun nước sôi pha trà, tôi ngó vào bể nước và chợt rùng mình. Toàn bộ bề mặt bể nước được phủ một lớp gián dày đặc. Khi múc nước, anh nuôi phải gạt lớp gián trên mặt nước ra giống như gạt bèo hoa dâu trên ruộng vậy. Tôi hỏi đảo trưởng: "Sao không bắt hết gián đi mà để vậy hả em?". Đảo trưởng trả lời: "Bắt không xuể, đành phải sống chung thôi".
Cầm ly trà trên tay, mới thấu được sự vất vả, thiếu thốn của các chiến sĩ. Sau này, đến năm 1992, khi ta nhập thuốc diệt gián từ nước ngoài với giá 100 USD/lít thì bộ đội Trường Sa mới thoát khỏi tình trạng này.
Khoảng 16 giờ, tôi đứng dậy nói với đảo trưởng: "Đến giờ anh phải về tàu rồi. Tạm biệt các em nhé!". Một chiến sĩ đang hí hoáy viết thư liền quay sang nói: "Thủ trưởng ơi! Chờ em một tí được không? Em đang viết dở lá thư cho bạn gái, sắp xong rồi ạ! Hôm nào về đất liền, nhờ thủ trưởng ra bưu điện gửi hộ em với nhé!". Tôi bảo: "Ừ! Các cậu viết khẩn trương lên nhé! Tôi sợ về muộn, anh em trên tàu sẽ lo và chờ cơm".
Đảo trưởng nghe vậy liền nài nỉ: "Hay anh ở lại đây ăn cơm tối với anh em rồi chờ nước lên bọn em lấy xuồng chở anh ra tàu?". Tôi không nỡ từ chối và ở lại ăn cơm tối với anh em. Khi biết tôi ở lại ăn cơm tối, mấy cậu chiến sĩ liền vỗ tay và quay ra tiếp tục cầm bút viết thư.
Cả đảo trưởng và đảo phó chính trị cũng tranh thủ viết thư nhờ tôi về đất liền gửi hộ. Có cậu chiến sĩ trẻ vừa dán tem xong chưa kịp khô nghe tôi nói vậy cũng bóc tem ra. Có cậu dán trước đó rồi không bóc ra được nữa thì cảm thấy tiếc. Một số thư chắc là gửi cho bạn gái nên vẫn dùng phong bì dán lại để bảo đảm "bí mật riêng tư". Còn hầu hết là gửi về cho gia đình hoặc bạn bè thì cứ để thư trần và ghi rõ địa chỉ người nhận ở cuối thư rồi nhờ tôi khi về đất liền mua bì thư và tem để gửi đi.
![Chuyến đi đáng nhớ- Ảnh 3. Chuyến đi đáng nhớ- Ảnh 3.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/15/7-anh-2-17396241977391085434798.jpg)
Tác giả (hàng đứng, thứ 4 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Núi Le, tháng 7-1989
Chừng 20 giờ, tôi tạm biệt anh em trên đảo để về tàu. Tôi bắt tay và ôm từng người một như tạm biệt người thân trong gia đình. Mắt tôi cứ rưng rưng khi nhìn những người lính trẻ măng nhưng sạm đen vì nắng gió.
Đảo trưởng và đảo phó chính trị đều lên xuồng chở tôi ra tàu. Khi xuồng cập mạn tàu, tôi nói với đội phó phụ trách hậu cần mang 4 quả bí xanh và 4 bắp cải to nhất tặng anh em trên đảo. Đảo trưởng cảm động, nói: "Các anh giờ mới bắt đầu đi, thời gian còn dài mà! Cứ để lại dùng phòng khi tàu phải ở ngoài này lâu". Tôi động viên: "Không sao cả! Mình biết anh em ở đảo rất thiếu rau xanh nên quà này là quý nhất thôi!".
Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau. Tôi còn nhìn theo chiếc xuồng cho đến khi tới chân đảo, ngoài tầm chiếu của đèn pha trên tàu, mới quay lại và leo lên buồng thuyền trưởng để báo cáo với anh về việc làm của mình nhưng anh đã ngủ rồi.
Sáng hôm sau, tàu chúng tôi nhổ neo thẳng hướng đảo Cô Lin. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng lên đảo Cô Lin với thời gian ngắn kỷ lục (4 ngày chuyển hết 400 tấn hàng), chúng tôi trở về đất liền.
Về đến đất liền chiều hôm trước, sáng hôm sau, tôi đạp xe lên bưu điện trung tâm TP Nha Trang cùng với tập thư mang từ đảo Đá Lớn về. Tôi mua 21 phong bì và 37 con tem, ghi đầy đủ địa chỉ và dán tem cẩn thận rồi bỏ vào thùng thư cho anh em. Chắc là chỉ một tuần sau, gia đình và những người thân của anh em trên đảo Đá Lớn sẽ nhận được thư của họ. Rời bưu điện, tâm trạng tôi cứ lâng lâng khó tả vì nghĩ mình đã làm một việc rất có ý nghĩa là đưa đảo xa về gần với đất liền hơn.
36 năm trôi qua từ lần chuyển hàng chi viện ra đảo ấy, Trường Sa đang đổi thay từng ngày. Đá Lớn, Cô Lin cùng các đảo ở Trường Sa trở thành điểm tựa vững chắc nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Và ở đó, cán bộ, chiến sĩ Hải quân kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi
Tại lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", diễn ra ngày 2-7-2024, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 5 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 4, năm 2024-2025.
Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi. Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.
Bình luận (0)