Tuy nhiên, khi đã ra quyết định thì hẳn đây là lựa chọn tối ưu của thương hiệu ở thời điểm hiện tại. Sau 10 năm, với vị trí đắc địa, cửa hàng trên đã hoàn thành sứ mệnh marketing, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu. Nếu tiếp tục duy trì địa điểm trên, doanh nghiệp có thể phải tái đầu tư vào cơ sở vật chất trong khi họ có rất nhiều lựa chọn tốt hơn ở những vị trí mới. Thương hiệu càng lớn càng cần cẩn trọng hơn trong quản lý chi tiêu, không thể "đốt tiền" mà không mang lại hiệu quả.
Dù McDonald's đóng cửa một cửa hàng biểu tượng nhưng đây không phải là sự thoái trào của các chuỗi đồ ăn nhanh mà là tín hiệu để các chuỗi cần có những mô hình và sản phẩm phù hợp với bản địa hơn. Ẩm thực Việt Nam vượt trội về độ phong phú và khẩu vị. Từ những quán phở, bánh mì, đến cơm tấm, tất cả đều đáp ứng nhu cầu của người dân với mức giá cạnh tranh hơn và hương vị quen thuộc hơn, khiến việc duy trì lợi thế của các chuỗi quốc tế trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, các thương hiệu quốc tế như McDonald's, KFC, Lotteria… đã làm rất tốt khi tổng hợp được 3 yếu tố của một nhà hàng cần có là: Món ăn - Dịch vụ - Không gian nên vẫn thu hút được giới trẻ. Các thương hiệu về ăn uống (F&B) Việt hiện nay chủ yếu chỉ tập trung vào món ăn chứ chưa đầu tư vào 2 yếu tố còn lại, có thể do vấn đề vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng điều này đang thay đổi khi ngành F&B Việt ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Một yếu tố nữa là các chuỗi thức ăn nhanh ngoại vốn được xem là biểu tượng của thực phẩm không lành mạnh đang gặp áp lực lớn khi phải thay đổi thực đơn trước xu hướng ăn uống lành mạnh của người tiêu dùng. Trong khi đó, đây lại là một xu hướng tiềm năng và cũng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam am hiểu thị trường, đặc biệt là lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ rất phong phú và đa dạng.
Từ việc các chuỗi F&B lớn phải trả những mặt bằng biểu tượng cũng cho thấy giữa lúc kinh tế khó khăn, những mô hình tinh gọn đang và sẽ lên ngôi nhờ chi phí đầu tư thấp, phù hợp với nhu cầu của đa số người tiêu dùng.
Theo tôi, một số mô hình như bán hàng mang đi (take away) và xe đẩy sẽ có tiềm năng phát triển mạnh. Các chuỗi bánh mì như Má Hải hay Gà rán 5 Stars triển khai mô hình này rất tốt… Mô hình bếp trên mây (cloud kitchen) dù có nhiều hạn chế nhưng với sự phát triển của hành vi tiêu dùng gọi đồ ăn qua các ứng dụng giao đồ ăn ngày càng tăng giúp mô hình này vẫn phát triển tốt, phù hợp với các các món ăn nhanh, rất nhiều thương hiệu như: Cơm Thố, Pizza... tận dụng tốt mô hình này.
Cuối cùng là mô hình ghép, cộng sinh, tức những mô hình tinh gọn ghép cùng các mô hình đồ uống hay cửa hàng tiện lợi khác giúp tối ưu hóa diện tích cửa hàng, cắt giảm chi phí thuê mặt bằng và có thể tăng độ phủ nhanh.
Ngọc Ánh ghi
Bình luận (0)