Cơ hội cho ngành bao bì xanh đang mở ra với dự báo quy mô thị trường bao bì giấy tại Việt Nam đạt 2,6 tỉ USD vào năm 2024 và 4,14 tỉ USD vào năm 2029. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 9,73% trong giai đoạn này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Ngành bao bì nhựa cũng không kém cạnh khi dự kiến sản lượng đạt 15,09 triệu tấn vào năm 2028, với CAGR 8,44%.
Cơ hội cho ngành bao bì xanh khi nhu cầu đang rất lớn
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn mua sắm toàn cầu, nhờ lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh và đặc biệt là cam kết tham gia xanh hóa chuỗi cung ứng. Xu hướng "xanh hóa chuỗi giá trị" đang buộc nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) trong các ngành bán lẻ, đồ uống, thực phẩm nhanh chóng chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
Không chỉ trong nước mà nhu cầu trên thị trường quốc tế đối với bao bì xanh của Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Theo đại diện Alibaba.com Việt Nam, lượng tìm kiếm các sản phẩm bao bì và in ấn từ các nhà bán hàng Việt trong năm qua đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Những sản phẩm như hộp giấy, tre, gỗ, ống bìa cứng phân hủy sinh học hay ly giấy dùng một lần nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người mua toàn cầu.
Đại diện Alibaba.com cũng đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật về năng lực sản xuất bao bì bền vững, nhờ khả năng thích ứng nhanh và liên tục cải tiến sản phẩm. Tỉ lệ chuyển đổi từ lượt xem sang đơn hàng của ngành bao bì và in ấn Việt Nam hiện đạt mức 8,94%, con số rất cao so với mặt bằng chung.
Đáng chú ý, sự chuyển hướng xanh trong ngành bao bì còn được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ các chính sách hỗ trợ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra lộ trình giảm dần, tiến tới cấm hoàn toàn bao bì nhựa dùng một lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Nhiều địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… đã ban hành kế hoạch cụ thể nhằm cấm sử dụng bao bì nhựa trong hệ thống bán lẻ và các khu du lịch, dự kiến áp dụng trong giai đoạn 2025 - 2030.
Theo thống kê từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), hiện cả nước có hơn 6.000 DN đang hoạt động trong lĩnh vực bao bì, với phần lớn trong số này đã và đang chuyển dần sang sản xuất bao bì xanh để kịp đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ các thị trường nhập khẩu. Đây chính là nền tảng quan trọng, mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành bao bì xanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Sản phẩm chén, dĩa từ mo cau của Công ty TNHH Bquarius (TP HCM). Ảnh: AN NA
Doanh nghiệp chủ động chuyển hướng
Trước xu thế tiêu dùng xanh và kinh tế tuần hoàn, nhiều DN Việt Nam đã tái cấu trúc để phát triển bền vững. Tiêu biểu, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (Duy Tân Recycling) đã tiên phong chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, đầu tư nhà máy tái chế Bottle to Bottle tại Long An (cũ) công suất 100.000 tấn/năm, biến chai nhựa cũ thành hạt nhựa đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Từ năm 2020 đến nay, DN này đã thu gom, tái chế hơn 80.000 tấn rác nhựa (khoảng 6 tỉ chai PET), phần lớn phục vụ xuất khẩu. Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của công ty, cho biết nhu cầu nội địa đang tăng nhanh khi nhiều DN đồ uống, sữa đặt mục tiêu dùng ít nhất 50% nhựa tái chế vào năm 2030.
Không chỉ các tập đoàn lớn, nhiều DN nhỏ và vừa cũng chủ động chuyển mình để bắt kịp xu thế. Ông Đỗ Hữu Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Magix, cho rằng có 3 hướng chính để giảm rác thải nhựa là: tái chế, thiết kế tối ưu và tái sử dụng. Trong đó, các DN nhỏ đang tập trung vào thiết kế bao bì sao cho tiết kiệm nguyên liệu và dễ tái chế hơn. Chẳng hạn, cùng một mẫu hộp giấy, nếu thiết kế lại, Magix có thể tiết kiệm 0,2 m² giấy/hộp, vừa giảm chi phí vừa giảm áp lực lên chuỗi cung ứng. Magix cũng đã triển khai nhiều giải pháp như sử dụng keo sinh học, thay bóng khí chèn hàng bằng giấy tổ ong, phát triển các loại văn phòng phẩm và đồ chơi giấy có độ bền cao.
Tuy vậy, theo ông Tân, chi phí sản xuất bao bì xanh vẫn cao hơn 10%-20% so với bao bì truyền thống. Dù DN đã cố gắng tối đa để rút ngắn khoảng cách giá, đa số sản phẩm vẫn còn chênh lệch đáng kể. "Chúng tôi phải kể câu chuyện xanh bằng hành động cụ thể, từ nghiên cứu thiết kế đến đầu tư máy móc hiện đại nhằm hạ giá thành và tạo sự khác biệt để bán hàng" - ông Tân chia sẻ.
Ở lĩnh vực sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần, các DN khởi nghiệp cũng nhanh chóng nhập cuộc. Bà Lê Bạch Kim, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Bquarius (TP HCM), cho biết công ty bắt đầu thử nghiệm sản xuất chén, dĩa từ mo cau từ năm 2018, đến năm 2022 đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên.
Hiện mỗi tháng Bquarius xuất khẩu khoảng 1 container các sản phẩm chén, dĩa, tô với nhiều kích cỡ khác nhau. Trong khi đó, thị trường trong nước vẫn phát triển rất chậm. Dù công ty đã tham gia nhiều hội chợ, thu hút sự quan tâm lớn, song khi bàn đến giá thì gặp vướng mắc do sản phẩm cao hơn đồ nhựa.
"Giá bán sản phẩm của Bquarius hiện cao gấp đôi so với sản phẩm nhựa thông thường. Nhiều nơi nói với tôi rằng một suất ăn 25.000 đồng thì không thể dùng cái tô giá 4.000 đồng. Nhưng tôi tin rằng do người tiêu dùng chưa quen, khi đã hiểu giá trị của sản phẩm thì sẽ sẵn sàng chi trả" - bà Kim bày tỏ.
Theo bà Kim, khi các sản phẩm nhựa dùng một lần bị cấm, đó sẽ là cơ hội lớn cho DN như Bquarius. Khi nhu cầu tăng mạnh, sản phẩm được tiêu dùng đại trà, chi phí sản xuất chắc chắn sẽ giảm, mở ra tiềm năng rất lớn cho các DN sản xuất bao bì và vật dụng thân thiện môi trường trong tương lai gần.
Cần thay đổi thói quen tiêu dùng
Bà Ngô Bích Quyên, Giám đốc Điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (sở hữu thương hiệu Organicfood), cho rằng giảm rác thải nhựa dùng một lần không chỉ dừng lại ở việc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện mà còn cần bắt đầu từ việc thay đổi thói quen tiêu dùng.
Tại hệ thống Organicfood, từ lâu DN đã yêu cầu nhà cung cấp loại bỏ khay xốp định hình, chỉ sử dụng bao bì bên ngoài, đồng thời chuyển khay đựng rau củ sang dùng khay bã mía. Có thời điểm Organicfood còn thử nghiệm dùng lá chuối để gói hàng nhưng không đạt hiệu quả do rau nhanh héo, không bảo đảm được thời gian bán.
Theo bà Quyên, ở nhiều nước châu Âu, siêu thị không phát túi ni-lông miễn phí, người dân phải tự mua túi đi chợ với giá khá cao, vì vậy hầu hết mọi người luôn mang sẵn trong ba-lô, túi xách những chiếc túi gấp gọn để sử dụng khi mua sắm. Trong khi đó tại Việt Nam, sự bùng nổ của túi ni-lông và sự cạnh tranh giữa các điểm bán vô tình tạo gánh nặng lớn lên môi trường.
Để thay đổi thói quen này, hệ thống Organicfood đã áp dụng chính sách khuyến khích khách hàng mang theo túi đựng riêng bằng cách giảm 2% trên tổng hóa đơn. Đồng thời, cửa hàng cũng chủ động tặng túi cho khách nhằm hình thành thói quen tiêu dùng xanh và hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa một cách bền vững.
Bình luận (0)