Theo cán bộ Công đoàn Khu Công nghiệp - chế xuất Hà Nội, lý do một số người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần là do họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút BHXH một lần. Một số NLĐ khác cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài, họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này.
Bên cạnh đó, một số NLĐ tham gia BHXH chưa đủ số năm để hưởng lương hưu, xác định không tiếp tục đi làm đóng BHXH nữa, họ chủ động rút BHXH một lần để đầu tư hoặc trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế... Việc rút BHXH một lần đồng nghĩa NLĐ đối mặt với tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động. Rút BHXH một lần có nhiều hệ lụy, như khó mở rộng lưới an sinh. Ngoài ra, một số lao động nữ khi rút BHXH một lần dễ nảy sinh tâm lý ở nhà nội trợ, sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế cho người chồng. Bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng khi không đi làm, gây tác động tiêu cực đến xã hội…
Trước các ý kiến phê phán NLĐ đã ồ ạt rút BHXH một lần, cần phải phản biện lại rằng, hẳn sẽ không ai rút BHXH một lần nếu việc không rút đem lại nhiều quyền lợi tốt hơn, bảo đảm hơn cho họ. Khi không nhìn thấy cái lợi của việc để lại thì việc rút BHXH một lần cũng là lẽ thường tình. Cần có cái nhìn thông hiểu và hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của NLĐ trong trường hợp này để nhận định, phán xét. Bởi khi quyền lợi trước mắt chưa bảo đảm, chưa ổn thì khó để nghĩ đến quyền lợi lâu dài.
NLĐ bị mất việc, nghỉ việc, cần có những chi phí trang trải cuộc sống gia đình trong khi không có việc làm mới, không có tiền lương thì rút BHXH một lần để giải quyết các nhu cầu cuộc sống không chỉ là yêu cầu thúc bách mà còn là lối ra tất yếu. Trong khi NLĐ làm việc tại các nhà máy hầu hết đều là lao động nghèo, không có tích lũy, kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng lương. Ngày thường, khi có việc làm thì lương đã thấp, khó thu vén cho các nhu cầu của gia đình nếu có con đi học; càng khó khăn hơn khi trong nhà có người đau yếu, bệnh tật. Nay thêm không có việc làm thì khoản BHXH một lần là không thể giữ lại được…
Không phải NLĐ không nhìn thấy khoảng trống quyền lợi khi về hưu, về già, khi rời nhà máy lúc tuổi đã cao. Song họ cũng biết tính toán để thấy khó được bảo đảm các phúc lợi xã hội tốt đẹp đó vì họ không có các điều kiện cần và đủ.
Do đó, cơ quan BHXH cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của NLĐ để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần; dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần có quy định tăng quyền lợi người tham gia BHXH nhằm giữ NLĐ ở lại với hệ thống, thay vì hạn chế quyền rút BHXH một lần của NLĐ.
Cũng cần lưu ý rằng đối tượng rút BHXH một lần đa số là lao động nữ. Họ cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất về quyền lợi BHXH. Khi sửa luật cần lưu ý, bảo đảm tốt hơn quyền của NLĐ, trong đó có lao động nữ nhằm bảo đảm bình đẳng giới, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ.
Bình luận (0)