Thông tin trên được PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động Hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ tại lễ phát động "Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi", diễn ra tại TP HCM ngày 30-12.
PGS Tiến cho rằng ghép tạng là một thành tựu y học quan trọng, cứu sống hàng ngàn người mỗi năm.
Dù đi sau các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và một số nước Châu Âu trong lĩnh vực ghép tạng nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khen ngợi, đứng đầu khu vực Đông Nam Á với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm. Tuy nhiên, tỉ lệ ghép tạng từ người chết não vẫn còn thấp, chiếm phần nhỏ trong tổng số ca ghép. Cả nước hiện chỉ có khoảng 10-12 ca hiến tạng từ người chết não mỗi năm, một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu.
"Công tác truyền thông, vận động hiến tạng vẫn còn hạn chế và nhiều người vẫn còn quan niệm sai lầm về "chết toàn thây" trong văn hóa, nhận thức. Bà Tiến kêu gọi cộng đồng cùng nhau hiến tạng cứu người vì đây là một món quà vô giá cho sự sống."-bà Tiến nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cam kết sẽ chỉ đạo ngành y tế và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều phối hiến tạng quốc gia để triển khai công tác tuyên truyền, vận động một cách đồng bộ và hiệu quả.
TP HCM cũng cam kết đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hiến, ghép tạng, đồng thời nghiên cứu các chính sách tôn vinh những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc nhằm khuyến khích và nhân rộng phong trào hiến tạng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, từ ca ghép thận đầu tiên cách đây 32 năm, ngành y tế Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng với tỉ lệ sống cao và chi phí phù hợp. Mặc dù số ca ghép tạng tăng đáng kể nhưng việc khan hiếm nguồn tạng hiến vẫn là thách thức lớn. Năm 2024, mặc dù có 39 ca chết não hiến tạng, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng.
Để đối phó với khó khăn về nguồn tạng, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ lấy ngày 20-5 là Ngày Hiến tạng quốc gia, đồng thời tăng cường vận động qua các kênh khác nhau, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo. Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia sẽ tiếp tục đảm bảo công tác điều phối tạng minh bạch, công bằng.
Bình luận (0)