Trong suốt chiều dài lịch sử, cùng với sự trưởng thành và phát triển của phong trào công nhân (CN), Công đoàn TP HCM cũng không ngừng lớn mạnh, luôn là hình mẫu tiêu biểu của cả nước. Diện mạo của Công đoàn TP HCM đã có sự thay đổi rõ rệt qua từng giai đoạn để thích nghi với thời đại, gắn liền với hơi thở cuộc sống CN, người lao động (NLĐ).
SÁNG TẠO, NHÂN VĂN
Không chỉ giữ vững và phát huy bản sắc riêng, từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của Công đoàn TP, nhiều chương trình, mô hình hoạt động lớn đã được nhân rộng điển hình ra cả nước, tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với phong trào CN và hoạt động Công đoàn cả nước.
Tiêu biểu phải kể đến chương trình "Tấm vé nghĩa tình". Khởi xướng từ năm 2008, đến nay chương trình ý nghĩa này của LĐLĐ TP HCM đã hỗ trợ hàng trăm ngàn lượt CN có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê sum họp cùng người thân trong dịp Tết cổ truyền. Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, một trong những người khởi xướng chương trình "Tấm vé nghĩa tình" - nhớ lại: "Vất vả mưu sinh nơi xứ lạ, CN nào cũng khao khát có được cái Tết ấm áp bên gia đình, người thân. Nhưng vào thời điểm năm 2008, để có được một tấm vé trên những chuyến xe an toàn để về quê đón Tết là ước mơ xa vời của nhiều CN. Thường trực LĐLĐ TP nghĩ phải làm sao giúp CN khó khăn được đoàn tụ cùng người thân trong những giờ phút thiêng liêng nhất trong năm chính là mục tiêu mà chương trình "Tấm vé nghĩa tình" hướng đến".
Bà Trần Thị Diệu Thúy (thứ hai từ trái qua), Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, trong một chuyến đi cơ sở Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ban đầu chương trình chỉ tổ chức được 2 xe tại nhà hàng Đoàn Viên (quận 1, TP HCM) cho khoảng 100 CN ở các KCX-KCN TP về các tỉnh miền Trung. Lúc đó, khi Công đoàn khởi xướng chương trình, các doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 30% giá trị mỗi chiếc vé xe nhưng qua từng năm, sự ủng hộ dành cho chương trình ngày càng lớn, tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp cũng được nâng lên 50% cho đến hiện nay là 70%.
Là một trong hàng ngàn CN được nhận vé, chị Phan Thị Bảy - Công ty TNHH Danu Vina (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM), quê xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - đã có cơ hội đưa chồng con về quê sum vầy sau 4 năm phải đón Tết xa nhà. "Mấy mẹ con ở trọ, sống trong cảnh thiếu thốn, do không có tiền để chữa trị cho đứa con trai bị ung thư máu nên tôi không nghĩ đến chuyện về quê. Nhờ tấm vé nghĩa tình Công đoàn gửi tặng, gia đình tôi mới có cơ hội sum họp" - chị Bảy xúc động kể.
LĐLĐ TP còn là nơi khởi xướng nhiều chương trình như "Trái tim nghĩa tình", Tháng CN, thành lập Quỹ Trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm (hiện nay là Tổ chức Tài chính vi mô CEP)... Xuất phát điểm của những mô hình hoạt động này đều khởi nguồn từ sự trăn trở của đội ngũ cán bộ Công đoàn TP trước nỗi khó khăn, vất vả của những người đoàn viên, lao động. Qua nhiều năm duy trì thực hiện, mỗi chương trình với sức hấp dẫn riêng đã gây được tiếng vang, tạo dấu ấn cho Công đoàn TP, được Tổng LĐLĐ Việt Nam nhân rộng ra cả nước. Đến nay, Tổ chức Tài chính vi mô CEP do LĐLĐ TP thành lập vẫn là tổ chức tài chính vi mô thành công nhất trên cả nước, mỗi năm đã phát vay cho hàng trăm ngàn lượt CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Đặc biệt, chương trình Tháng CN vào tháng 5 hằng năm do LĐLĐ TP khởi xướng được Ban Bí thư Trung ương Đảng công nhận tại Thông báo số 77-TB/TW ngày 24-2-2012, kết luận lấy tháng 5 hằng năm là Tháng CN trên cả nước. Từ đó đến nay, Tháng CN đã trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng, được khẳng định bằng những chương trình hoạt động ngày càng thiết thực, cụ thể, vì lợi ích đoàn viên, NLĐ.
Bà Trương Thị Minh Dung - Chủ tịch LĐLĐ quận 1, TP HCM - tặng quà cho các đoàn viên khó khăn Ảnh: HỒNG ĐÀO
Công nhân - lao động mua hàng tại gian hàng do LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM tổ chức Ảnh: CAO HƯỜNG
KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC
Song song với công tác chăm lo, tổ chức Công đoàn TP còn khẳng định vị thế nhờ kiên trì thực hiện chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ thông qua việc khởi kiện ra tòa đối với các doanh nghiệp cố tình nợ lương, BHXH của NLĐ. Có những sự việc phức tạp, kéo dài suốt nhiều năm nhưng chưa bao giờ các cán bộ Công đoàn bỏ cuộc.
Đơn cử là vụ kiện Công ty TNHH Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc) của LĐLĐ huyện Củ Chi đã kéo dài suốt hơn 4 năm trời. Suốt thời gian ấy dù vô cùng vất vả nhưng cán bộ Công đoàn huyện Củ Chi, TP HCM vẫn luôn kiên trì và "trái ngọt" cho tinh thần hy sinh ấy là đòi được gần 4 tỉ đồng tiền lương cho CN. Tháng 2-2013, do làm ăn thua lỗ, Công ty Sae Hwa Vina ngừng hoạt động khiến 677 CN mất việc. Lúc đó, công ty còn nợ gần 3,4 tỉ đồng tiền lương, trợ cấp thôi việc. Sự việc phức tạp vì CN đông, công ty có nhiều chủ nợ, liên quan đến yếu tố nước ngoài... Nhờ nắm rõ tình hình nên LĐLĐ huyện đã có những bước đi phù hợp.
Nhớ lại quãng thời gian hơn 4 năm theo đuổi vụ kiện, ông Nguyễn Thanh Sang - nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, người đại diện CN trong quá trình tố tụng tại tòa - bồi hồi: "Đó là thời điểm cận Tết cổ truyền, doanh nghiệp ngừng hoạt động, gần 700 CN bị nợ lương, coi như mất Tết. Một mặt chúng tôi cùng LĐLĐ TP tham mưu các giải pháp chăm lo và giới thiệu việc làm cho họ, mặt khác chúng tôi quyết tâm phải khởi kiện đòi bằng được quyền lợi cho CN. Thế nhưng, do là lần đầu thực hiện, chưa nắm rõ quy trình, thủ tục nên hồ sơ bị tòa trả về nhiều lần. Thêm vào đó, CN nghỉ việc tứ tán khắp nơi nên việc tập hợp để làm thủ tục ủy quyền cũng rất khó khăn. Dù rất nỗ lực nhưng cuối cùng LĐLĐ huyện cũng chỉ tập hợp được 400/677 đơn ủy quyền của NLĐ".
Mất 3 năm kiên trì theo đuổi, vụ kiện được TAND huyện Củ Chi tuyên nguyên đơn thắng kiện, chỉ định thanh lý tài sản doanh nghiệp để lấy tiền trả nợ lương cho CN. Lúc này lại phát sinh trở ngại khác khi cơ quan thi hành án huyện Củ Chi thông báo không có thẩm quyền giải quyết tài sản doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Không bỏ cuộc, LĐLĐ huyện lại tiếp tục đeo đuổi vụ việc cho đến khi Cục Thi hành án TP thụ lý, thanh lý tài sản được gần 4 tỉ đồng.
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, CHỦ TỊCH LĐLĐ TP HCM:
Đón đầu thách thức, vận dụng sáng tạo
Năm 2020 đã đánh dấu nhiều bước ngoặt về sự thay đổi của tổ chức Công đoàn TP. Đó là thay đổi mạnh mẽ về phương pháp hoạt động, tư duy trong công tác chăm lo lẫn đối tượng chăm lo. Sự đổi mới cách thức truyền thông, quản lý.
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công đoàn TP đã vận dụng sáng tạo để hoạt động hiệu quả vừa chăm lo tốt cho NLĐ vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch. Đã có hơn 20.000 đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được hỗ trợ với số tiền trên 24 tỉ đồng từ nguồn kinh phí Công đoàn. Hợp sức với LĐLĐ TP, tất cả Công đoàn cấp trên và cơ sở đã huy động các nguồn lực để tổ chức chăm lo cho 638.495 đoàn viên, CNVC-LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với các hoạt động hỗ trợ, tặng quà, tặng trang thiết bị phòng chống dịch... Điều đó cho thấy Công đoàn TP HCM luôn luôn sáng tạo, linh hoạt, mạnh dạn thay đổi khi điều kiện hoạt động thay đổi để phù hợp với tình hình, vượt qua thách thức để đạt hiệu quả cao nhất.
Bình luận (0)