Kể từ ngày 1-1-2021, nhiều chính sách mới liên quan đến tiền lương của người lao động sẽ có hiệu lực:
1. Về mức lương tối thiểu
- Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
- Không còn khái niệm "Mức lương tối thiểu ngành".
- Thêm nhiều căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu.
2. Về việc ủy quyền nhận lương của người lao động
Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp không thể nhận lương trực tiếp.
Tuy nhiên, người được ủy quyền có nhận được tiền lương của NLĐ hay không sẽ phụ thuộc vào 02 yếu tố:
- Việc ủy quyền phải hợp pháp;
- Người sử dụng lao động đồng ý, bởi Luật quy định người sử dụng lao động "có thể" trả cho người được ủy quyền chứ không bắt buộc.
3. Về nguyên tắc trả lương cho người lao động
**Người sử dụng lao động không được:
- Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động.
- Ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
**Người lao động được nhận bảng kê trả lương mỗi lần nhận lương, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). Đây là điểm mới, chưa có ở Luật Lao động 2012.
**Người lao động được đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương nếu bị trả lương chậm từ 15 ngày trở lên.
(Hiện hành, số tiền đền bù sẽ được tính theo lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương; nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương).
**Người lao động không phải trả phí mở tài khoản nếu trả lương qua ngân hàng
4. Về quyền của người lao động khi không được trả lương đúng hạn
người lao động có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn
Cụ thể, theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019, thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho NSDLĐ nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành phải báo trước 3 ngày).
5. Về các trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, từ năm 2021, trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động được nghỉ 03 ngày và hưởng nguyên lương.
Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 01 ngày (hiện hành, quy định "con" kết hôn thì nghỉ 1 ngày); "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 03 ngày (hiện hành quy định "con" chết thì nghỉ 3 ngày).
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động 2012 .
- Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021).
Bình luận (0)