“Hãy giới thiệu về bản thân bạn” là câu mà hầu như ứng viên nào cũng sẽ gặp trong buổi phỏng vấn việc làm. Tuy nhiên nhiều ứng viên nghĩ đó là câu hỏi cơ bản, phổ biến nên thường chủ quan dẫn tới mắc sai lầm. Thậm chí có ứng viên đã phải dừng buổi phỏng vấn, bỏ lỡ cơ hội việc làm ngay sau phần giới thiệu này. Vậy khi trả lời câu hỏi giới thiệu bản thân thì bạn nên chú ý điều gì để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng khi tìm việc làm tại Sài Gòn hay nhiều nơi khác? Dưới đây là một vài lưu ý, để bạn tham khảo:
Xác định nội dung nhà tuyển dụng muốn nghe
Khi nhận câu hỏi "Hãy giới thiệu về bản thân", bạn cần hiểu rõ, điều nhà tuyển dụng thực sự muốn nghe, mục đích ẩn sau câu hỏi là gì. Bởi không đơn giản chỉ vì nhà tuyển dụng muốn biết tên tuổi, quê quán của bạn. Muốn biết điều đó, họ chỉ cần nhìn vào CV của bạn.
Điều nhà tuyển dụng muốn nghe thực sự qua câu hỏi là giá trị mà bạn có thể đóng góp cho họ, mục tiêu của bạn có trùng với mục tiêu doanh nghiệp không.
Khi xác định được trọng tâm này, ít nhất bạn sẽ không lạc đề để phải dừng buổi phỏng vấn ngay phút đầu.
Chuẩn bị trước nội dung
Thực tế "Hãy giới thiệu bản thân" là câu hỏi mở, tưởng dễ trả lời nhưng lại rất khó. Bạn cần tự hỏi: Tại sao bạn muốn công việc này? Bạn đã giúp được gì cho doanh nghiệp cũ? để xác định năng lực, giá trị của bản thân. Bạn cũng cần hiểu công ty, về vị trí ứng tuyển để tìm ra điểm phù hợp với họ.
Sau khi xác định được nội dung cần trả lời, bạn nên viết ra giấy, tập trả lời trước nội dung đó. Kể cả khi không được đề nghị giới thiệu bản thân thì sự chuẩn bị tốt cũng giúp bạn tập trung và truyền tải được điều nhà tuyển dụng muốn. Tuy nhiên trường hợp này là rất ít vì thế tốt nhất là hãy chuẩn bị thật kỹ.
Giữ tinh thần tốt
Trong nhiều câu hỏi thì "Giới thiệu bản thân" là câu hỏi đầu tiên. Vì thế câu hỏi này còn có mục đích để nhà tuyển dụng làm quen với bạn, để tìm giữa bạn với họ có điểm chung hay không.
Do đó, bạn đừng quá căng thẳng, cũng không nên quá thoải mái. Đừng thể hiện kiểu "Em chẳng biết giới thiệu gì, em không có gì để giới thiệu". Thay vào đó, bạn giữ một sự tự tin với nụ cười tươi, ánh mắt sáng khi nói về mình với nhà tuyển dụng.
Bạn nên tìm hiểu thêm về nhà tuyển dụng để lựa chọn thái độ, ngôn ngữ giao tiếp phù hợp. Nếu tìm ra điểm chung với nhà tuyển dụng thì khéo léo nói về nó. Rất có thể nó khiến cuộc trao đổi giữa bạn và nhà tuyển dụng thoải mái hơn.
Tạo điểm nhấn và không trả lời như trong CV
Tìm nội dung trả lời cho phần giới thiệu bản thân trên internet không khó. Nhưng nếu dựa vào đó hoàn toàn, nó sẽ không phải là giới thiệu "bản thân" bạn mà là giới thiệu về người khác.
Bạn cũng không nên sử dụng đoạn văn giới thiệu bản thân trong CV để trả lời cho câu hỏi này. Nếu chỉ nói những gì trong CV thì nhà tuyển dụng đã không cần đặt câu hỏi. Hơn nữa, viết và nói là hai việc khác nhau.
Hãy "cá nhân hóa" bằng những điểm riêng biệt, bằng cảm xúc, ngôn ngữ của bạn. Nếu là người có kinh nghiệm, bạn hãy chỉ ra điểm mạnh, mục tiêu sự nghiệp và kế hoạch để đạt mục tiêu đó. Nếu là sinh viên mới ra trường, bạn hãy cho thấy sự cầu thị, ham học hỏi và khát khao được cống hiến.
Không phóng đại, không dài dòng
Khi nhà tuyển dụng đưa câu hỏi này ra, bạn nên trả lời ngay. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nói "bất chấp", cường điệu và sai sự thật. Lời nói cần trau chuốt nhưng cần đảm bảo sự chân thực và dựa trên sự thật.
Bạn cũng nên lưu ý là tránh nói dài, nói lê thê. Vì câu hỏi không giới hạn nội dung trả lời nên nhiều bạn rơi vào sa đà, không làm chủ thời gian. Mỗi câu hỏi chỉ có 2-3 phút để trả lời nên bạn cần ngắn gọn, đủ ý.
Dành lời cảm ơn cho nhà tuyển dụng
Trước khi trả lời hoặc kết thúc phần giới thiệu, tùy thuộc nhà tuyển dụng hoặc ngữ cảnh để bạn dành lời cảm ơn cho họ. Đó là phép lịch sự cho thấy sự tôn trọng của bạn với họ. Hơn nữa, điều này cho thấy bạn nhận thức đây là cơ hội để là nhân sự chính thức của công ty.
Bằng thông điệp này, bạn thể hiện sự ngầm hiểu với nhà tuyển dụng. Khi đó họ thầm nghĩ "Ồ, đây là ứng viên tiềm năng". Vô hình chung bằng lời cảm ơn, bạn đã mở rộng thêm cơ hội trúng tuyển cho mình.
Với sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần tốt, xác định rõ điều nhà tuyển dụng muốn cùng sự am hiểu doanh nghiệp, vị trí tuyển dụng, thì việc giới thiệu bản thân không làm khó được bạn. Hi vọng với lưu ý trên bạn đã có thêm những cách để tạo ấn tượng sâu sắc và có buổi phỏng vấn thành công.
Bình luận (0)