Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang hoàn tất dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) trước khi trình Chính phủ. Bộ LĐ-TB-XH đề xuất trích 6.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để đào tạo lại lao động có nguy cơ mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp (DN).
Tăng đối tượng tiếp cận và hỗ trợ
Theo đó, dự kiến mỗi lao động sẽ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, liên tục trong 6 tháng. Bộ LĐ-TB-XH ước tính khoảng 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng nếu chính sách này được thông qua.
Lãnh đạo Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH cho biết chính sách hỗ trợ DN và NLĐ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã có, song chế độ đào tạo, bồi dưỡng để NLĐ duy trì việc làm theo quy định trong Luật Việc làm với điều kiện thụ hưởng rất chặt. Do đó, trong dự thảo này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nới rộng các điều kiện nhằm tăng đối tượng tiếp cận.
Lao động tại một doanh nghiệp ở TP HCM mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19 chờ làm thủ tục hưởng chế độ theo quy định . Ảnh: HƯƠNG HUYỀN
Gói hỗ trợ đào tạo lại nghề hướng tới NLĐ thuộc các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị sử dụng lao động có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thay vì hỗ trợ trực tiếp, dự thảo đề xuất triển khai thông qua người sử dụng lao động đang quản lý NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19.
DN được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện: Đóng đủ BHTN cho NLĐ liên tục 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất - kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19; có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.
Dự thảo cũng quy định DN phải có phương án cụ thể về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. DN có nhu cầu gửi hồ sơ về Bộ LĐ-TB-XH để được xem xét, quyết định. Thời hạn áp dụng hỗ trợ dự kiến 1 năm kể từ ngày chính sách được ban hành.
Đánh giá về dự thảo này, không chỉ lãnh đạo các hiệp hội nghề nghiệp mà các DN cũng bày sự tỏ lạc quan. Nếu chính sách này được thông qua, DN khó khăn sẽ có thêm nguồn hỗ trợ trong khi NLĐ có cơ hội nâng cao trình độ tay nghề.
Lãnh đạo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết dệt may, da giày là ngành sử dụng nhiều lao động nên mức độ ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Qua 3 đợt dịch cho thấy số lao động mất việc chủ yếu rơi vào dệt may và giày da. Do đó, lao động 2 ngành này cần sớm được hỗ trợ. Đây là nhóm lao động yếu thế, thu nhập bình quân chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, có đến 80% DN của 2 ngành này không tiếp cận được. "Các DN mong muốn chính sách phải cụ thể, đáp ứng được nhu cầu của DN và nguyện vọng của NLĐ. Chính sách được ban hành phải hiểu DN và NLĐ cần gì" - đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam bày tỏ.
Giám sát chặt chẽ
Hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ là ưu tiên của nhà nước khi xây dựng chính sách BHTN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, thực tiễn hoạt động của Quỹ BHTN cho thấy quỹ này chủ yếu chi cho trợ cấp, còn chi hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm chưa nhiều. Trong khi đó, việc hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động sau khi mất việc là cần thiết, để họ có công việc mới.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng việc đề xuất gói hỗ trợ DN đào tạo nghề là rất cần thiết để "tiếp sức" DN và NLĐ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề "sức khỏe" DN, khiến nhiều NLĐ mất việc làm, giảm thu nhập. Theo bà, các tiêu chí để DN nhận được sự hỗ trợ cũng rất chặt chẽ với các điều kiện cụ thể mà Bộ LĐ-TB-XH đã nêu trong dự thảo.
"Việc hỗ trợ kinh phí để DN đào tạo lao động phục vụ nhu cầu sản xuất của DN cũng nhằm tránh lãng phí nguồn lực hỗ trợ, bởi hơn ai hết, DN hiểu họ cần đào tạo ai, đào tạo cái gì. Còn nếu hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ, họ dùng tiền tự đi học nghề nhưng sau đó có thể vẫn không thể tìm được việc làm" - bà Ngân nhận xét.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng việc hỗ trợ cần có sự giám sát của tổ chức Công đoàn và NLĐ tại DN. Các thông tin cần công khai, minh bạch để tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột" khi chính sách hỗ trợ nhiều nhưng đến tay NLĐ lại không tương xứng.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, dịch Covid-19 đã hoành hành cả năm mà đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn còn tập hợp ý kiến để đề xuất hỗ trợ thì hơi muộn. "Lẽ ra, quý II/2020 phải nghiên cứu, lắng nghe DN, ghi nhận thực tế..., từ đó xác định điều kiện nào đưa ra để DN vay được, phục vụ cho đào tạo lại, nâng cao trình độ NLĐ. Việc này cũng rất đơn giản, phải xuống hỏi DN và hỏi NLĐ" - ông Huân nhấn mạnh.
Ông Huân cho rằng Quỹ BHTN là quỹ của NLĐ, do NLĐ đóng góp, giờ cần sử dụng như thế nào cho hiệu quả nhất. Trong số rất nhiều NLĐ đóng góp đó, một bộ phận không may bị ảnh hưởng bởi sự trồi sụt của thị trường, một phần có thể do tay nghề non kém nên mất việc... Khi DN có hướng nâng cao công nghệ và trình độ tay nghề NLĐ thì phải hết sức tạo điều kiện cho họ.
Quỹ BHTN kết dư 84.000 tỉ đồng
Theo BHXH Việt Nam, đến ngày 31-12-2020, Quỹ BHTN còn kết dư khoảng 84.000 tỉ đồng. Số người thất nghiệp được trợ cấp đạt khoảng hơn 1 triệu, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền chi trả trực tiếp cho NLĐ là hơn 16.000 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Số người hưởng hỗ trợ học nghề giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019 (21.000 người). Hàng triệu lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.
Bình luận (0)