Đáp ứng nhu cầu hội nhập và thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, sắp tới đây, ngoài tổ chức Công đoàn (CĐ), trong doanh nghiệp (DN) sẽ có thêm nhiều tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) được thành lập. Đó cũng là lý do Dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi lần này dành hẳn 1 chương (gồm 13 điều) quy định về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động; điều kiện thành lập, thủ tục đăng ký; điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ.
Chưa bảo đảm quyền của các bên
Tuy nhiên, theo các đại biểu tham gia buổi tham vấn ý kiến về dự thảo BLLĐ sửa đổi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, các quy định trên còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp thực tiễn.
Theo dự thảo BLLĐ sửa đổi, tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều kiện để thành lập là tại thời điểm đăng ký, tổ chức này phải có tối thiểu 20 đoàn viên là NLĐ làm việc tại đơn vị sử dụng lao động. Theo ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, quy định trên chưa bảo đảm quyền gia nhập tổ chức của NLĐ. "Ở thị trường lao động Việt Nam, NLĐ làm việc chủ yếu tại các DN nhỏ, siêu nhỏ, có ít lao động hoặc tại những tiệm cắt tóc, hàng quán… Như vậy, nếu tổ chức đại diện NLĐ chỉ được thành lập khi có trên 20 lao động đã loại bỏ đối tượng lao động này ra ngoài và tước bỏ quyền gia nhập tổ chức đại diện NLĐ của họ" - ông Chang-Hee Lee nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TP HCM, chỉ ra rằng quy định thành viên của tổ chức đại diện NLĐ không được bao gồm người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động (người có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến tuyển dụng, kỷ luật lao động, thuyên chuyển, chấm dứt HĐLĐ, điều kiện lao động của NLĐ) là chưa phù hợp thực tiễn. Bởi, thực tế cho thấy những ý kiến, đề nghị của người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động được DN lưu tâm hơn khuyến nghị của một NLĐ đơn thuần. Cho nên, nếu loại bỏ đối tượng này sẽ không có lợi cho việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Đứng ở góc độ DN, bà Bùi Thị Ninh, Trưởng Phòng Giới chủ sử dụng lao động Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đặt vấn đề: "Các tổ chức đại diện NLĐ được hình thành và hoạt động trong DN nhưng trong dự thảo chỉ thấy nêu nghĩa vụ mà không đề cập quyền của người sử dụng lao động trong việc hình thành các tổ chức này. Điều này liệu có bảo đảm sự công bằng của mỗi bên trong quan hệ lao động?".
Cán bộ LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM tiếp nhận ủy quyền khởi kiện đòi quyền lợi về BHXH của công nhân Công ty TNHH Sunlight
Nên khống chế số lượng tổ chức đại diện NLĐ
Cũng tại buổi tham vấn, vấn đề một NLĐ được quyền gia nhập bao nhiêu tổ chức đại diện; có nên khống chế số lượng tổ chức đại diện NLĐ trong một DN không hay các tổ chức có được liên kết với nhau ngoài phạm vi DN cũng được các đại biểu quan tâm.
Ông Đặng Tấn Đạt, Phó Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho rằng trong tương lai, tại một đơn vị sử dụng lao động sẽ có rất nhiều tổ chức đại diện NLĐ thành lập và hoạt động, vấn đề này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong việc xác minh, thẩm định để cấp phép hoạt động và quản lý hoạt động của các tổ chức này; DN cũng sẽ mất nhiều thời gian để tiếp xúc, trao đổi, làm việc với lãnh đạo, đại diện tổ chức NLĐ khi có vấn đề như đã xảy ra tại Campuchia. Đồng thời, khi có nhiều tổ chức cùng tồn tại có thể gây xung đột, tranh chấp giữa các tổ chức… Do vậy, tại một đơn vị chỉ nên có một tổ chức đại diện NLĐ nếu tổ chức đó kết nạp được trên 50% tổng số lao động. Cùng suy nghĩ trên, ông Trần Ngọc Vân, Phó Chủ tịch CĐ các KCN Bình Dương, kiến nghị nên quy định mỗi NLĐ chỉ được gia nhập từ 1-2 tổ chức đại diện và trong một đơn vị cũng chỉ nên có 1-2 tổ chức. "Như vậy vừa tránh phiền hà cho DN vừa thuận tiện trong việc xác định tổ chức sẽ đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, nhất là trong trường hợp xử lý kỷ luật lao động" - ông Vân bày tỏ.
Chia sẻ về vấn đề tổ chức đại diện NLĐ chỉ hoạt động trong phạm vi DN, ông Chang-Hee Lee cho biết trên thế giới tổ chức đại diện NLĐ ra đời dựa trên nhu cầu tự thân của NLĐ, do thị trường, sự tương đồng về địa điểm làm việc, nhu cầu hay sự quan tâm chung… nên tổ chức đại diện NLĐ được hình thành dưới hình thức nghiệp đoàn và phạm vi mở rộng trong lĩnh vực ngành, nghề nghiệp, vùng địa lý. "Theo công ước quốc tế, NLĐ có quyền gia nhập bất cứ tổ chức nào nên nếu dự thảo luật vẫn giữ nguyên quy định chỉ thành lập trong một DN thì ILO sẽ đặt câu hỏi về vấn đề này" - ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh. Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết dự kiến trong dự thảo luật sắp tới sẽ bổ sung điều khoản quy định về việc liên kết giữa các tổ chức đại diện NLĐ.
Theo ông Chang-Hee Lee, trên thế giới, Luật CĐ điều chỉnh hoạt động của mọi tổ chức đại diện NLĐ thì tại Việt Nam, Luật CĐ chỉ điều chỉnh hoạt động của tổ chức CĐ. Do vậy, Việt Nam có thể xem xét mở rộng thêm 1 chương quy định về hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ trong Luật CĐ để phù hợp với thực tiễn.
Bình luận (0)