Ngay từ những ngày đầu thành lập, tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam đã xác định và thực hiện vai trò chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ), với 4 cấp hiện nay là trung ương, tỉnh - thành, quận - huyện và cơ sở. Cái gốc của hoạt động CĐ xuất phát từ cơ sở, phong trào có thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của đoàn viên hay không cũng do cơ sở quyết định. Do vậy, để tổ chức CĐ thực sự lớn mạnh, thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ, nhất thiết chúng ta phải có đội ngũ cán bộ CĐ đủ trình độ, năng lực và phẩm chất.
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho tổ chức CĐ Việt Nam, đòi hỏi đội ngũ cán bộ CĐ phải nâng mình để có thể làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Ở rất nhiều vụ tranh chấp lao động, do năng lực còn hạn chế nên đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở chưa đủ sức đứng ra thương thảo, hòa giải để hàn gắn rạn nứt trong quan hệ lao động. Thực tế này đòi hỏi tổ chức CĐ Việt Nam và CĐ TP HCM càng phải xem trọng khâu quy hoạch, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là khu vực dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Tại TP HCM, hơn 67% lực lượng lao động tập trung ở khu vực ngoài quốc doanh. Ở vị thế người làm công ăn lương, chúng ta khó đòi hỏi cán bộ CĐ thực hiện tốt chức năng thương lượng, bảo vệ NLĐ trong trường hợp chủ doanh nghiệp (DN) có hành vi o ép quyền lợi NLĐ. Nếu đứng ra bảo vệ quyền lợi NLĐ mà bị mất việc, chắc chắn người làm công tác CĐ sẽ tâm tư, thậm chí có suy nghĩ rời bỏ tổ chức.
Các chế định bảo vệ cán bộ CĐ được quy định rất rõ trong Bộ Luật Lao động, tuy nhiên, các DN cũng có những chiêu thức khác nhau để gây khó dễ cho cán bộ CĐ ở cơ sở. Không tạo điều kiện hoạt động hoặc tìm cách điều chuyển vị trí làm việc của đội ngũ cán bộ là cách thức các DN thường áp dụng. Ở thế chiếu dưới, liệu cán bộ CĐ cơ sở có toàn tâm toàn ý cho công tác CĐ? Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy công tác quy hoạch, đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, đặc biệt là cán bộ CĐ cơ sở chưa đi vào chiều sâu thực chất, nếu không nói là manh mún. Khi Bộ Luật Lao động và chính sách pháp luật liên quan ngày càng hoàn thiện thì vai trò đại diện của CĐ càng phải được khẳng định, có như vậy mới khẳng định được chỗ đứng của một tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ như Đảng và Chính phủ mong muốn. Từ thực tế này đòi hỏi trong nhiệm kỳ tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP phải xây dựng chiến lược quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ cán bộ CĐ trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời tham mưu hoàn thiện chính sách chăm lo để họ yên tâm công tác, đấu tranh bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Bình luận (0)