Nhiều người cho rằng, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là động chạm vào vùng nhạy cảm, có quan hệ tình dục chứ không phải là những hành vi như có cái nhìn gợi tình hay nháy mắt...
Nơi làm việc không an toàn
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) chia sẻ: Dư luận từng phẫn nộ trước việc một nữ chuyên viên phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tố cáo bị nam đồng nghiệp giở trò đồi bại ngay tại phòng làm việc, trong giờ hành chính.
Theo đó, chị L.A (SN 1988, chuyên viên tại huyện Triệu Phong, Bình Định) tố trong lúc đang ở phòng làm việc một mình (tầng 2, trụ sở Phòng Tài chính Kế hoạch) thì ông N.B.Tr (chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, làm việc ở cùng tầng 2, khác phòng) đi vào rồi khép cửa lại.
Tiếp đó, ông Tr ép sát chị L.A, dùng tay sờ soạng, luồn tay vào áo, cởi cúc quần chị. Khi chị L.A tìm cách vùng chạy thì ông Tr chốt cửa lại rồi tiếp tục cưỡng bức chị, mặc cho chị này chống trả quyết liệt. Cũng theo lời chị L.A, trước đó, ông Tr đã nhiều lần có hành vi đụng chạm cơ thể khiến chị này bức xúc.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) chia sẻ về tình trạng quấy rối tình dục nơi làm việc hiện nay.
Tuy nhiên, nam công chức không bị xử lý theo luật vì thiếu chế tài mà chỉ xử lý theo Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính, buộc cho thôi việc.
Bà Hoàng Thị Huệ - Phó Ban Nữ công (LĐLĐ TP Hải Phòng) - cho rằng, thực tế cho thấy, việc giải quyết các vụ việc quấy rối tình dục đối mặt với nhiều khó khăn. Bà kể lại tại một doanh nghiệp có đông công nhân lao động ở Hải Phòng từng xảy ra vụ một người giữ chức vụ quản lý bị tố có hành vi quấy rối tình dục với một nữ công nhân lao động.
Dưới áp lực của đông đảo công nhân lao động công ty, doanh nghiệp xử lý bằng cách kỷ luật sa thải người này. Tuy vậy, người bị tố cáo không chấp nhận quyết định của công ty, sau đó tham vấn luật sư và đệ đơn kiện lại quyết định của doanh nghiệp. Công ty sau đó phải bồi thường cho người này một số tiền khá lớn, khoảng 10 tháng lương.
Những vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về quấy rối tình dục nơi công sở mà chúng ta nói đến trong thời gian qua.
Cần có nghị định riêng về quấy rối tình dục
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết thêm, mặc dù ghi nhận tiến bộ cao của Bộ Luật Lao động 2012 đối với vấn đề quấy rối tình dục, các chuyên gia cũng đã chỉ ra 5 hạn chế lớn dẫn đến không nhận diện được hành vi, không phòng ngừa được vi phạm, vi phạm thì không xử lý được.
Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (Mnet) đã gửi khuyến nghị đến các đại biểu Quốc hội trong đó nhấn mạnh việc thiếu định nghĩa pháp lý về quấy rồi tính dục; thiếu định nghĩa xác định được thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong phòng chống quấy rối; thiếu các cơ chế thủ tục khiếu nại tố cáo về hành vi quấy rối tình dục, mà quy trình này phải rất đặc thù; thiếu chế tài, khắc phục hậu quả với hành vi quấy rối tình dục
Việc thiếu chế tài xử lý, xử lý không triệt để ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, năng suất người lao động và cả uy tín doanh nghiệp.
Liên quan đến nội dung quấy rối tình dục, dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi có 8 điều (5 điều thêm mới, 3 điều giữ nguyên của luật hiện hành). Dự thảo đã bổ sung quy định về định nghĩa quấy rối tình dục; về nơi làm việc; xác định nghĩa vụ chung của người sử dụng lao động trong xây dựng biện pháp phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; quy định về nội quy lao động phải có nội dung về phòng chống quấy rối tình dục và các biện pháp phòng chống cụ thể,…
Cũng theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, cần có định nghĩa đúng về quấy rối tình dục cũng như về người lao động, nơi làm việc. Về phạm vi, người lao động bị quấy rối ở những nơi làm việc khác như hội nghị, buổi liên hoan, chuyến đi công tác…. có được bảo vệ không?
Luật Lao động sửa đổi phản ánh đầy đủ bản chất thực trạng quấy rối tình dục, có khả năng bảo vệ người lao động, giúp người lao động thực thi đầy đủ quyền của mình.
78,2% nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ
Một nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ (tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 đến 30. Phần lớn nạn nhân chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài.
Theo kết quả nghiên cứu trên, có tới 80% nạn nhân được hỏi không hiểu rõ hành vi nào mới được xem là quấy rối tình dục. Nhiều người cho rằng chỉ khi phát sinh quan hệ tình dục hoặc sờ soạng mới được coi là quấy rối tình dục; còn những hành vi gọi điện, nhắn tin, chia sẻ hình khiêu dâm... thì chưa phải.
Bình luận (0)