Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam được công bố sáng nay, 25-5, tại Hà Nội.
Bộ quy tắc được xây dựng bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Quá trình xây dựng bộ quy tắc được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ, tham chiếu từ các bộ quy tắc thực hành phòng chống quấy rối tình dục sẵn có trên thế giới.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết bộ quy tắc giúp giải quyết những điểm vẫn chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bảo vệ người lao động. Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại mọi doanh nghiệp, cả ở khu vực công và tư, trên cơ sở tự nguyện.
Bộ Luật Lao động 2012 quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi quấy rối tình dục, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn. “Bộ quy tắc giúp người sử dụng lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, làm cơ sở cho việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; qua đó phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chuất lượng cao” – ông Huân nói.
Theo một nghiên cứu do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là lao động nữ từ 18 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc.
Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, Công đoàn và người lao động về thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm gì để phòng ngừa và cần thực hiện những bước nào nếu hành vi quấy rối tình dục diễn ra. Giám đốc ILO Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, cho rằng quấy rối tình dục không chỉ gây căng thẳng về cảm xúc và thể chất của nạn nhân, ảnh hưởng đến khả năng làm việc của họ mà còn làm giảm năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. “ILO sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trên con đường hoàn thiện những lỗ hổng pháp luật trong việc giải quyết vấn đề nhạy cảm tại nơi làm việc này vì lợi ích của cả người lao động và doanh nghiệp” – ông Gyorgy Sziraczki
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính và Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cam kết cùng hợp tác để thực hiện bộ quy tắc một cách hiệu quả, nhằm xây dựng văn hóa tại nơi làm việc, ngăn chặn triệt để hành vi quấy rối tình dục.
Bình luận (0)