“Nếu công ty thật sự khó khăn thì chỉ cần bày tỏ, khi ấy dù có phải bỏ ra số tiền nhiều hơn, chúng tôi cũng không tiếc. Đằng này, cách làm áp đặt của công ty khiến chúng tôi bị ức chế, vào xưởng mà chẳng có hứng thú làm việc”. Đây là ý kiến của một số công nhân (CN) Công ty L.N (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) sau khi công ty thông báo “Kế hoạch hỗ trợ mua hàng tại siêu thị”.
Ép CN mua hàng của công ty
Theo kế hoạch này, trong thời gian từ ngày 8-10 đến 8-12, Công ty L.N sẽ phát động chương trình “Thi đua mua sản phẩm của công ty tại hệ thống siêu thị Maxi”. Cách thức tham gia là toàn bộ người lao động (NLĐ) sẽ mua sản phẩm (dầu ăn, đậu hũ, sa tế, tương ớt…) và vận động người thân quen mua hàng của công ty tại siêu thị. Doanh số sẽ xét theo từng phòng, ban dựa trên hóa đơn của siêu thị. Phòng, ban nào đạt doanh số cao nhất sẽ được thưởng; tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng. Những phòng, ban nào không đạt doanh số 6 triệu đồng/tháng thì sẽ trừ 50% tiền trách nhiệm của những nhân viên có hưởng tiền trách nhiệm (chủ yếu là cấp tổ trưởng, trưởng phòng).
Anh T., nhân viên bộ phận kinh doanh, cho biết tùy từng phòng, ban mà công ty đưa ra mức khoán doanh số từ 12 triệu đến 15 triệu đồng chứ không phải 6 triệu đồng như thông báo. “Do sợ không đạt doanh số và bị trừ tiền trách nhiệm (từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng), những phòng, ban có nhiều bộ phận, các tổ trưởng và trưởng phòng đã chia đều doanh số, bỏ tiền ra mua sản phẩm rồi mang về bán lại cho CN. Ở những phòng, ban chỉ có 1-2 bộ phận, cấp quản lý ít, không gánh nổi đành chia đều doanh số buộc CN phải đóng tiền mua, mỗi người từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng. Cả 2 cách làm trên đều không được CN ủng hộ” - anh T. chia sẻ.
Mặc dù kế hoạch được đích thân ông N.D.T, giám đốc công ty, phê duyệt song khi trao đổi với chúng tôi, ông khẳng định công ty chỉ khuyến khích chứ không ép. “Nếu có ép thì là các trưởng phòng hiểu sai ý rồi làm sai chứ không phải tôi” - ông T. khẳng định.
Tâm trạng chi phối năng suất lao động
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhận định: Năng suất lao động phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người rất quan trọng. Bên cạnh trình độ tay nghề thì tác phong, ý thức làm việc, tâm trạng của NLĐ khi bước vào xưởng cũng rất quan trọng. Thực tế chứng minh nếu NLĐ làm việc trong tình trạng không thoải mái, bị ức chế thì năng suất lao động sẽ giảm.
Điều ông Triều nói, bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh, Giám đốc Công ty M.K (huyện Hóc Môn, TP HCM), rất thấm thía. Tháng 5 vừa qua, vì hết hàng, công ty cho toàn bộ CN nghỉ chờ việc 10 ngày. Theo đề xuất của bộ phận nhân sự, số ngày nghỉ sẽ được trừ vào phép năm. Riêng những CN không đủ phép hoặc sử dụng hết ngày phép thì chỉ được trả 30% lương. “Lúc đó, do đang đau đầu với việc tìm đơn hàng mới nên tôi không để tâm lắm đến đề xuất này, chỉ nghe nhân viên báo cáo rồi ký tên mà không đọc kỹ” - bà Quỳnh chia sẻ.
Sau đó, công ty tiếp tục ký hợp đồng với đối tác cũ và hoạt động trở lại nhưng lạ lùng là cùng một đơn hàng, mã hàng như trước nhưng năng suất lao động của CN giảm sút nghiêm trọng. Sau một thời gian tìm hiểu, bà Quỳnh mới phát hiện CN bức xúc với việc bị trừ phép năm và cách tính lương trong thời gian chờ việc. Lập tức, công ty tổ chức họp, giám đốc đứng ra nhận lỗi trước toàn thể CN và chi trả 100% tiền lương trong thời gian chờ việc. “Sau sự việc đó, không khí làm việc thay đổi hẳn, năng suất lao động tăng trở lại. Giờ thì tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm là khi có vấn đề phát sinh, dù nhỏ cũng phải giải quyết ngay, tránh để lây lan dẫn đến hậu quả khó lường” - bà Quỳnh thổ lộ.
Bình luận (0)