Chiều 30-11, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn chuyên đề số 5 về Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam XII và Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.
Diễn đàn số 5 tập trung thảo luận các nội dung: Công tác xây dựng tài chính Công đoàn phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về tài chính, tài sản Công đoàn. Tăng cường công tác quản lý thu tài chính Công đoàn, chi tài chính Công đoàn tiết kiệm, hiệu quả; tăng chi trực tiếp cho đoàn viên, người lao động; nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại diễn đàn
Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn đã nghiên cứu, ban hành các quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn; tăng cường công tác thu, chi, phân phối, quản lý tài chính, tài sản công đoàn và công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản của tổ chức công đoàn.
Đồng thời, thời gian qua, Công đoàn tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, kinh tế công đoàn, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp công đoàn. Đẩy nhanh xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hoá hoá doanh nghiệp công đoàn; tổ chức công đoàn cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch tài chính.
Tham gia Diễn đàn chuyên đề số 5, đại diện LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trình bày những tồn tại, hạn chế trong công tác tài chính công đoàn như không ít doanh nghiệp chậm nộp đoàn phí; công đoàn cơ sở mở tài khoản thu phí công đoàn còn thấp, chưa lập và một vài đơn vị công đoàn hoạt động chưa hiệu quả.
Ông Lê Đình Hùng, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ Tp Hà Nội
Để xây dựng tài chính công đoàn bền vững thời gian tới, ông Lê Đình Hùng, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ Tp Hà Nội đề xuất, cần tập trung các giải pháp quyết liệt trong nâng cao hiệu quả trong thu, phân phối, chi, quản lý, hạn chế thất thoát đoàn phí công đoàn, đề cao trách nghiệp của Ban thường vụ, Ban chấp hành, người đứng đầu Công đoàn các cấp. Công đoàn cần mở rộng phát triển nguồn lực tài chính, tiềm năng trong tương lai; ưu tiên tuyển dụng đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp, có năng lực quản trị với doanh nghiệp thiết chế của Công đoàn, đổi mới
Bên cạnh đó, nội dung chuyển đổi số trong giải pháp liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn được trao đổi, đóng góp sôi nổi. Ông Cao Xuân Dương, đoàn đại biểu LĐLĐ Tp Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, cơ chế thu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số qua tài khoản ngân hàng, đảm bảo công khai minh bạch và tập trung nguồn lực.
Ông Trần Văn Nhu, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn TCT Hàng không Việt Nam
Ông Trần Văn Nhu, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn TCT Hàng không Việt Nam nêu, chuyển đổi số là nhiệm vụ trung tâm. Đa số các tổ chức cơ sở trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã cài đặt, sử dụng thành thạo phần mềm tài chính công đoàn.
Trong thời gian tới, đơn vị định hướng tiếp tục chuyển đổi số trong số hoá chứng từ, hồ sơ dữ liệu; chữ ký số; phần mềm kế toán trực tuyến kết nối máy chủ từ Tổng công ty đến công đoàn trực thuộc. Từ đó, chuyển đổi số nhận định sẽ trở thành xu hướng cần nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng với tài chính công đoàn giai đoạn mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị thông tin về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức 10 Diễn đàn thảo luận chuyên đề tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam./.
Bình luận (0)