“Chúng tôi đến đây để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của anh chị em công nhân (CN), từ đó xây dựng các phương án thích hợp nhất nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ) trong quá trình triển khai thi hành Luật BHXH sửa đổi”. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), đã mở đầu như vậy tại buổi trao đổi với tập thể CN Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM) về chính sách BHXH vào sáng 31-3.
Nhiều nội dung tiến bộ hơn
Hàng loạt câu hỏi liên quan đến chính sách BHXH mà CN nêu ra đã được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH giải đáp cặn kẽ. Nhiều lợi ích khác của Luật BHXH mới cũng được ông Doãn Mậu Diệp phân tích, làm rõ, giúp giải tỏa hàng loạt gút mắc của CN.
Trả lời câu hỏi “nếu đã nghỉ việc và chốt sổ BHXH, hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng sau đó quay trở lại làm việc thì có được cộng dồn thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu?”, ông Diệp giải đáp: “Khi NLĐ trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để hưởng lương hưu. Trong trường hợp không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu với nhiều quy định mới rất thuận tiện, như bổ sung phương thức đóng 1 lần cho nhiều năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động...”.
Tiếp lời ông Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM Nguyễn Văn Khải khẳng định: “Luật BHXH năm 2014 có nhiều nội dung tiến bộ theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH của NLĐ, như: mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con, tăng mức hưởng BHXH 1 lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện...”.
Xem xét thấu đáo kiến nghị của CN
Tại buổi trao đổi, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã trình bày nhiều lợi ích của chính sách BHXH. Ông nhấn mạnh: “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Có nghĩa nếu tham gia BHXH, NLĐ sẽ được bảo đảm các quyền lợi khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp, bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; khi hết tuổi lao động thì được hưởng lương hưu và chăm sóc y tế, khi qua đời thì bản thân NLĐ và thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất”. Những chia sẻ này được số đông CN lắng nghe và tiếp thu với sự hài lòng.
Đối với ý kiến của CN về việc luật nên cho phép NLĐ có nhu cầu được nhận trợ cấp BHXH 1 lần, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bày tỏ cảm thông và cho rằng nguyện vọng chính đáng này của một bộ phận CN cần được xem xét thấu đáo.
“Bộ LĐ-TB-XH đang phối hợp cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành xây dựng nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHXH sửa đổi. Từ nay đến khi luật có hiệu lực còn đến 9 tháng; nếu có nguyện vọng, CN nên phản ánh qua tổ chức Công đoàn. Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn, bộ sẽ có các cuộc tham vấn với hệ thống Công đoàn, tiếp thu ý kiến của NLĐ để thiết kế phù hợp trước khi trình Chính phủ, kể cả phương án linh hoạt để NLĐ lựa chọn hưởng BHXH 1 lần như trước đây hoặc bảo lưu BHXH” - khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã nhận được sự đồng tình của số đông CN.
Ủng hộ bảo lưu thời gian đóng BHXH
Được nghe giải thích, nữ CN Đ.T.T.L bày tỏ tâm đắc: “Lãnh trợ cấp một lần có thể giúp giải quyết khó khăn trước mắt song bất lợi về lâu dài, nhất là đến tuổi hưu. Tôi ủng hộ chủ trương khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH 1 lần”.
Cảm ơn tập thể CN đã thẳng thắn trình bày tâm tư, nguyện vọng, ông Nguyễn Văn Khải cho biết sẽ cùng với các cơ quan chức năng TP HCM tập hợp kiến nghị của CN để trình Quốc hội, Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành xem xét.
Bình luận (0)