Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh để vừa bảo vệ sức khỏe người lao động (NLĐ) vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
Bảo đảm quyền lợi người lao động
Một trong những DN làm tốt công tác phòng chống dịch là Công ty TNHH Compass II (KCN Việt Nam - Singapore - VSIP). Trước khi vào xưởng làm việc, công nhân (CN) phải đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang và quét mã vạch khai báo y tế.
Công nhân Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào làm việc
Tại căng - tin, tất cả bàn ăn đều được lắp vách ngăn bằng mica, mỗi bàn chỉ bố trí 2 người. Giờ ăn được bố trí giãn cách nhằm hạn chế tập trung đông người. Xưởng sản xuất cũng được phun xịt khử khuẩn thường xuyên, vị trí làm việc của CN được sắp xếp hợp lý để bảo đảm quy định giãn cách. Liên tục 2 tháng qua, trên loa phát thanh nội bộ, Công đoàn cơ sở cũng tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở CN ở các bộ phận tuân thủ nghiêm những khuyến cáo về phòng chống dịch của ngành y tế, thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế).
Tại Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TP Thuận An), những trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu ho, sốt, đi đến vùng dịch... sẽ được hướng dẫn đến trung tâm y tế phường khai báo, kiểm tra sức khỏe. Kết luận của cơ quan y tế sẽ là căn cứ để ban giám đốc quyết định cho NLĐ được tiếp tục đi làm hay phải nghỉ ở nhà thực hiện cách ly. "Những trường hợp phải cách ly tại nhà hoặc ở trong khu vực bị phong tỏa vẫn được công ty trả đủ lương" - ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết.
Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (VSIP 1), ban giám đốc yêu cầu toàn thể 3.500 lao động của công ty phải cài đặt phần mềm ứng dụng khai báo thông tin y tế do bộ phận công nghệ thông tin của DN lập trình. Hằng ngày trước khi vào ca, NLĐ phải khai báo thông tin những nơi đi đến để được sàng lọc. Những trường hợp đi hoặc đến những vùng có dịch hay tiếp xúc với người đi đến từ vùng dịch sẽ được hướng dẫn đến trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra. Với những trường hợp ban giám đốc công ty yêu cầu tạm nghỉ việc ở nhà cách ly hoặc làm việc trực tuyến, NLĐ vẫn được hưởng đủ lương và các chế độ khác.
Nâng cao ý thức phòng dịch
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Công ty CP Sao Việt (KCN Đồng An, TP Thuận An) đã chủ động thành lập 35 "Tổ an toàn Covid-19" với 210 thành viên là cán bộ chủ chốt từ văn phòng đến các xưởng sản xuất. Nhiệm vụ hằng ngày của các thành viên trong tổ là tuyên truyền, nhắc nhở NLĐ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc; phát hiện và kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm về phòng chống dịch cũng như những trường hợp NLĐ có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 để cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe NLĐ và ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các DN, song song với thông tin tuyên truyền phòng chống dịch, Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương cũng khuyến cáo cán bộ, đoàn viên cần chủ động khai báo y tế khi có quá trình di chuyển, tiếp xúc liên quan đến các trường hợp nghi nhiễm, những trường hợp đến hoặc trở về từ các vùng có dịch. Các hoạt động chăm lo cho CN tại DN hoặc nơi cách ly, phong tỏa cũng phải bảo đảm yêu cầu phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế để ngăn ngừa rủi ro. Mới đây, Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, đoàn viên, NLĐ (bao gồm cả DN chưa có tổ chức Công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh mà không vi phạm các quy định về phòng chống dịch được hỗ trợ 3 triệu đồng/người; đoàn viên, NLĐ thuộc diện F1 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người; NLĐ (tại các DN có đóng kinh phí Công đoàn) thuộc diện phải cách ly tại nơi ở theo yêu cầu của cơ quan chức năng được hỗ trợ 500.000 đồng/người.
Bình luận (0)