Thời gian vừa qua, Báo Người Lao Động liên tục nhận được đơn khiếu nại của người lao động (NLĐ) về việc doanh nghiệp (DN) chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) không đúng quy định. Khi NLĐ khiếu nại thì DN hợp thức hóa sai phạm bằng nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng.
Đùng đùng cho nghỉ
Cách hành xử “đáng nể” nhất phải nói đến là Công ty G-III Apparel Group Ltd. Công ty này cho anh Terence Hồ Ngọc Trí (quận 4, TP HCM) nghỉ việc vì dám phản ánh những sai trái của công ty. “Tôi được tuyển dụng từ năm 2012. Trong quá trình làm việc, trưởng đại diện thường xuyên chửi bới, trừ lương nhân viên vô cớ. Đặc biệt, công ty không ký HĐLĐ; không đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Tôi phản ánh, lập tức bị công ty cho nghỉ việc” - anh Trí bức xúc.
Còn tại Công ty Việt Phú, chị Nguyễn Thị Tuyết đang làm việc thì nhận được thông báo chấm dứt HĐLĐ. Chị Tuyết khiếu nại. Thấy việc làm của mình không đúng, công ty gửi email đề nghị chị Tuyết trở lại. Không biết công ty gửi email, chị Tuyết kiện ra tòa. Lý giải trước tòa, đại diện công ty cho rằng đã gửi email, tại chị Tuyết không đến nên ra quyết định sa thải!
Có DN còn tạo chứng cứ giả để cho NLĐ nghỉ việc như sự việc xảy ra tại Công ty Long Hoàng. Anh Công đang làm việc thì nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ. Anh Công kiện ra tòa. Giải thích với tòa, đại diện công ty cho rằng anh Công không hoàn thành nhiệm vụ và trưng ra chứng cứ là... biên bản không hoàn thành nhiệm vụ được lập sau khi anh Công khiếu nại. Chưa hết, công ty còn giả chữ ký của người quản lý đã nghỉ việc, xác nhận anh Công không hoàn thành nhiệm vụ!
Vi phạm nhiều, phát hiện ít
Sai phạm đã rõ nhưng khi làm việc với cơ quan chức năng, các đơn vị lại cố chống chế, biện minh. Công ty G-III Apparel Group Ltd. cho rằng đã chuyển tiền bồi thường cho anh Trí. Công ty Việt Phú thì viện cớ đã mời nhưng NLĐ không chịu trở lại làm việc. Còn Công ty Long Hoàng cho biết “sẽ thực hiện lại quy trình cho anh Công nghỉ việc”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, tình trạng DN vi phạm pháp luật xảy ra rất nhiều. Trong khi đó lực lượng thanh tra, UBND các địa phương kiểm tra, phát hiện rất ít. Ngoài ra, do nhận thức của NLĐ còn hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật lao động nên trong nhiều trường hợp bị DN xâm phạm quyền lợi mà không hề biết. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: Lực lượng thanh tra lao động địa phương và UBND các cấp chịu trách nhiệm chính đối với việc chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động trên địa bàn mình quản lý. Nếu kiểm tra, xử lý nghiêm, chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vi phạm pháp luật.
Bình luận (0)