Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động mới đây, anh N.T.Q, công nhân (CN) Công ty TNHH G.D (KCX Tân Thuận, TP HCM), trình bày: “Khi thấy lương tháng 1-2015 bị trừ 200.000 đồng không rõ lý do, tôi đã lên phòng nhân sự hỏi. Đại diện phòng nhân sự giải thích vì tôi làm việc trong tình trạng có mùi rượu bia, đồng thời đưa ra một tờ biên bản cảnh cáo ghi bằng tiếng Hoa và không có chữ ký của tôi để chứng minh. Công ty không bắt quả tang hay chứng minh được việc tôi uống rượu bia trong giờ làm việc mà đã xử phạt. Mặt khác, theo Bộ Luật Lao động, dù tôi có lỗi, công ty cũng không được dùng hình thức trừ lương thay cho việc xử lý kỷ luật”.
Từ cái sai của người lao động
Trao đổi về trường hợp của anh Q., bà V.T.H, trưởng phòng hành chính Công ty TNHH G.D, cho biết khoảng 9 giờ ngày 8-1, anh than mệt và xin lên phòng y tế để nghỉ ngơi. Tại đây, phát hiện Q. có mùi rượu, công ty đã lập biên bản cảnh cáo nhưng anh không chịu ký. Sau đó, công ty đã đề nghị Q. về nghỉ nhưng anh nhất quyết đòi xuống xưởng làm việc tiếp vì sợ mất tiền chuyên cần.
Đáng nói là khi bị trừ lương và phòng nhân sự giải thích không thỏa đáng, thay vì vẫn làm việc bình thường và tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên cấp trên theo quy trình của công ty, anh Q. lại tỏ thái độ bất mãn. Anh đến công ty nhưng không làm việc, tự ý bỏ việc 1 ngày không xin phép để đi khiếu nại tại Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM.
“Việc anh Q. đi làm trong tình trạng không tỉnh táo vừa ảnh hưởng đến công việc chung vừa không bảo đảm an toàn lao động và tác động xấu đến những CN làm việc trong xưởng. Do vậy, để giữ nghiêm quy định và làm gương cho các CN khác, công ty đã xử phạt bằng cách trừ lương. Việc công ty trừ lương là sai song đây là biện pháp cực chẳng đã mà công ty nghĩ ra để “gò” người lao động (NLĐ) vào khuôn khổ” - bà H. thừa nhận.
Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp (DN) tự ý đặt ra những biện pháp xử phạt NLĐ vi phạm kỷ luật như Công ty G.D không phải là hiếm. Mới đây, khi trao đổi với chúng tôi về việc công ty đặt ra quy định hạn chế thời gian đi vệ sinh của CN, bà N.T.T, trưởng phòng nhân sự Công ty T.V (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết: Khi chưa hạn chế thời gian đi vệ sinh, nhiều CN đã lợi dụng thời gian này để ăn uống, gọi điện, tán gẫu, hút thuốc.... Hậu quả là đã xảy ra cháy xưởng do CN hút thuốc. Sau sự cố đó, công ty buộc phải quản lý thời gian đi vệ sinh của CN để tránh sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
DN bất chấp hậu quả
Việc DN đặt ra những quy định trái luật đôi khi do thiếu hiểu biết về pháp luật lao động. Song, cũng có trường hợp DN biết là phạm luật nhưng vẫn làm, bất chấp hậu quả.
Cách đây không lâu, dù chủ tịch Công đoàn cơ sở đã can ngăn nhưng giám đốc một công ty tại huyện Củ Chi, TPHCM vẫn quyết định sa thải một số CN. Giải thích về quyết định của mình, giám đốc cho biết do bất mãn với việc thay đổi chính sách của công ty, một số CN đã phá hỏng nhiều hàng hóa của DN. Nghi ngờ người phá hoại nhưng không có chứng cứ rõ ràng, tuy vậy, giám đốc vẫn sa thải.
“Chúng tôi biết khi NLĐ khiếu nại, nhiều khả năng công ty sẽ thua nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Nếu họ còn làm việc thì chắc chắn sẽ tiếp tục có hành vi nguy hại đến lợi ích của công ty”- vị giám đốc bày tỏ.
Cuối tháng 1-2015, Công ty TNHH V.G (quận Gò Vấp, TP HCM) quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh N.V.V, nhân viên giao gas, dù biết rõ việc đó là trái pháp luật. Trước đó, khi giao gas, anh V. đã dán số điện thoại của một công ty khác vào bếp của khách hàng. V. còn thông báo Công ty V.G sắp ngừng hoạt động và đề nghị khách hàng gọi vào số điện thoại mới khi có nhu cầu. Nghe khách hàng phản ánh, ông L.C.B, giám đốc công ty, rất tức giận, đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động với V. song anh không đồng ý. Dù vậy, ông B. vẫn ra quyết định cho anh V. thôi việc.
“Biết là sai nhưng tôi không thể chấp nhận một con người thiếu trung thực như vậy làm việc cho mình” - ông B. quả quyết.
Bình luận (0)