“Số đông người lao động (NLĐ) chỉ biết làm việc và lãnh lương chứ không quan tâm đến các vấn đề khác. Vì thế, để thu hút họ đến với tổ chức Công đoàn (CĐ), cán bộ CĐ phải biết thở hơi thở của họ, gần gũi và sẻ chia kịp thời khó khăn với họ” - bà Đào Thị Bích Nhuần, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nam Yang, chia sẻ như vậy tại buổi tọa đàm “Phương pháp vận động người lao động tham gia tổ chức CĐ trong tình hình hiện nay” do LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM tổ chức cuối tuần qua.
Tinh tế, nhạy bén
Năm 2015, khi về làm ở phòng nhân sự công ty, bà Nhuần được bầu làm chủ tịch CĐ. Thời điểm ấy, bà Nhuần “tá hỏa” khi phát hiện ngoài nghĩa vụ trích nộp thuế, công ty không trích nộp BHXH BHYT, trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ. Đặc biệt, hoạt động CĐ cơ sở gần như tách biệt với CĐ cấp trên…
Sự nhạy bén của đội ngũ cán bộ Công đoàn giúp đời sống người lao động tại Công ty TNHH Nhơn Hòa không ngừng được cải thiện
Bà Nhuần quyết tâm vực dậy hoạt động CĐ bắt đầu từ con số 0. Trước tiên, bà chủ động tìm gặp giám đốc công ty để trò chuyện, thuyết phục ông thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho NLĐ. Giám đốc công ty là người nước ngoài nên bà Nhuần chọn cách vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và cách tiếp cận này đã giúp bà thành công. Hiểu được thành ý của chủ tịch CĐ cơ sở và với mong muốn ổn định quan hệ lao động lâu dài, giám đốc công ty đồng ý thực hiện các đề xuất của CĐ cơ sở. Từ ngày 1-1-2016, công ty trích nộp kinh phí đầy đủ; xây dựng nhà ăn và nhà ăn cũng được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; lắp đặt hệ thống nước thải; lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy; tổ chức hội nghị NLĐ… Chứng kiến sự khởi sắc của hoạt động CĐ, đặc biệt là những chuyển biến trong quan hệ lao động, tập thể lao động rất phấn khởi.
Với bà Nguyễn Trương Thị Ngọc Diễm, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Ipamina, để CĐ thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp (DN) và NLĐ, cán bộ CĐ phải là người tinh tế, biết hài hòa lợi ích các bên. Bà Diễm kể: “Khi tôi đề xuất nâng lương và cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho công nhân (CN), giám đốc đồng ý nhưng cũng yêu cầu CĐ cơ sở phải giáo dục, vận động CN không được nói chuyện điện thoại trong giờ làm việc, không ăn gian giờ công. Hiểu được ý của giám đốc nên tôi đồng ý ngay bởi suy cho cùng đây cũng là trách nhiệm của CĐ”. Thực tế, khi CĐ cơ sở đưa ra những đề nghị của ban giám đốc, tất thảy CN đều hợp tác bởi những kiến nghị nâng lương và cải thiện bữa ăn giữa ca của họ đã được ban giám đốc đáp ứng.
Biết mình biết ta
Chia sẻ kinh nghiệm nâng chất hoạt động CĐ, bà Võ Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Year 2000, cho rằng ngoài nhiệt huyết và tinh thần dấn thân, cán bộ CĐ phải biết mình biết ta, nói được và làm được. “Anh em CN chỉ tin CĐ khi được mắt thấy tai nghe những gì CĐ đem lại cho họ. Hoạt động CĐ càng gần gũi với đời sống NLĐ thì dễ thuyết phục họ” - bà Duyên bộc bạch.
Phần lớn lao động tại Công ty TNHH Year 2000 có tuổi đời rất trẻ, thích nhảy việc, điều này đã gây không ít khó khăn cho CĐ cơ sở trong việc xây dựng và phát triển tổ chức. Tuy nhiên, những trở ngại ấy không làm bà Duyên và ban chấp hành chùn bước, trái lại còn quyết tâm khẳng định vai trò của CĐ tại DN. Đơn cử như việc chủ động giám sát hoạt động bếp ăn tập thể. Để bảo đảm khẩu phần ăn của CN, CĐ cơ sở sắm một cân điện tử để cân thức ăn hằng ngày, nếu khối lượng sai lệch, lập biên bản, báo ngay cho công ty. Động thái này của CĐ cơ sở lập tức nhận được sự ủng hộ của ban giám đốc lẫn tập thể CN. Chưa dừng lại đó, trên cơ sở khảo sát ý kiến CN, mới đây, CĐ cơ sở đã thuyết phục ban giám đốc đồng ý nâng suất ăn giữa ca từ 15.000-19.000 đồng/suất vào đầu năm 2017. Chưa dừng lại đó, CĐ còn sắm dụng cụ đo ánh sáng nơi làm việc và kiến nghị ban giám đốc có giải pháp xử lý, góp phần cải thiện điều kiện cho anh em CN. “Mọi đề xuất của CĐ phải có căn cứ thật cụ thể, có như vậy mới mong vận động, thuyết phục DN đồng ý” - bà Duyên cho biết.
Theo ông Đinh Ngọc Sáng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nhơn Hòa, cán bộ CĐ không chỉ giỏi mà còn phải khéo léo. Ông Sáng cho biết nhiều DN không thích các đoàn thể suốt ngày hội họp, do vậy CĐ cơ sở đã tranh thủ triển khai các chương trình hoạt động vào cuộc họp giao ban thứ hai hằng tuần. Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp ban giám đốc nắm rõ hơn hoạt động CĐ cơ sở. “Biết giám đốc thích làm từ thiện, tôi đã đề nghị ông đến thăm một CN bị tai nạn lao động. Đến thăm, biết anh này có người mẹ đang bị bệnh ung thư, CĐ đã đề xuất công ty hỗ trợ tiền cho bà mẹ hằng tháng đến khi nào bà mất” - ông Sáng kể.
Bà ĐINH THỊ THÁI HIỀN, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ TP HCM:
Tạo sự hiểu biết, tin cậy
Thành lập CĐ cơ sở và phát triển đoàn viên là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp CĐ TP trong năm 2016. Sau khi xúc tiến thành lập CĐ cơ sở tại doanh nghiệp, CĐ cấp trên cần hướng dẫn CĐ cơ sở thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, tập trung vào điều kiện làm việc, bữa ăn giữa ca… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ CĐ cần vận động đoàn viên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, góp phần tạo nên sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.
Bình luận (0)